Chuỗi cà phê mới nổi có trụ sở tại Bắc Kinh được thành lập cách đây 1 năm rưỡi và phát triển nhanh chóng từ 9 cửa hàng vào cuối năm 2017 lên 2.073 cửa hàng vào cuối năm ngoái. Tức là trung bình cứ mỗi 4 tiếng, Luckin Coffee lại mở thêm 1 cửa hàng mới trong năm 2018.
Tháng 1 vừa qua, startup cho biết kế hoạch của họ là đạt tới con số 4.500 cửa hàng tại Trung Quốc đến cuối năm nay với tốc độ đáng kinh ngạc: Sau 3,5 tiếng sẽ có 1 cửa hàng Luckin Coffee mới xuất hiện.
Tham vọng của Luckin Coffee là lật đổ "ngai vàng" của Starbucks tại Trung Quốc.
Điều đó sẽ giúp đặt Luckin Coffee ngang hàng với Starbucks, chuỗi cà phê vốn được coi là bá chủ ở đất nước tỷ dân. Trong báo cáo thu nhập mới nhất ngày 25/4 vừa qua, Starbucks tiết lộ kế hoạch mở thêm 600 cửa hàng nữa vào cuối tháng 9 năm nay, nâng tổng số cửa hàng của hãng tại Trung Quốc lên 4.389.
Việc đẩy nhanh tốc độ mở chi nhánh nằm trong kế hoạch đánh bại Starbucks để trở thành mạng lưới cà phê thống trị ở quê nhà của Luckin Coffee. Ngày 22/4, hãng đã nộp đơn IPO tại Mỹ với mục tiêu huy động 800 triệu USD.
Trước khi Luckin Coffee ra đời, Starbucks từng kiểm soát 80% thị trường cà phê tại Trung Quốc. Tháng 7/2017, công ty đã chi 1,3 tỷ USD để mua lại 50% cổ phần của hai đối tác Đài Loan President Chain Store Corporation và Uni-President Enterprises Corporation trong công ty liên doanh Starbucks ở Trung Quốc.
Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử của hãng cà phê này.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh, Starbucks cho biết doanh thu tại Trung Quốc của hãng đã tăng 9% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay so với năm trước.
Tuy nhiên do vấp phải sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ phía Luckin Coffee, khối lượng giao dịch của từng cửa hàng so với cùng kỳ năm trước của Starbucks có xu hướng giảm.
Tỷ lệ mở cửa hàng của Starbucks cũng mờ nhạt hơn đáng kể so với Luckin Coffee. Năm ngoái, cứ mỗi 16 tiếng hãng mới mở thêm 1 cửa hàng mới và mục tiêu năm nay là 15 tiếng/cửa hàng – chậm hơn khoảng hơn 4 lần so với Luckin.
Starbucks đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhiều đối thủ tại Trung Quốc.
Tất nhiên, Luckin mới đang ở giai đoạn "trứng nước" trong khi Starbucks đã có mặt ở Trung Quốc từ năm 1999, vậy nên có thể không hoàn toàn công bằng khi so sánh về tốc độ tăng trưởng. Nhưng do Starbucks đang tập trung toàn lực vào Trung Quốc nên cả 2 hãng đều đang ở trong trận chiến tranh giành thị phần khốc liệt.
Ngoài Luckin, Starbucks cũng đối mặt với không ít cạnh tranh từ các đơn vị khác. Từng khẳng định vị thế là "nơi thứ ba" ngoài nhà và văn phòng, giờ đây hãng cà phê đến từ Mỹ lại phải cạnh tranh với WeWork – công ty mới đây đã ra mắt dịch vụ theo yêu cầu cho phép người dùng thuê bàn trong thời gian ngắn và cung cấp cà phê miễn phí cho họ.
Sự phát triển mạnh mẽ của các nhà sách trên khắp Trung Quốc cũng đang đe dọa vai trò là "nơi thứ ba" của Starbucks.
Bên cạnh đó, do tình trạng tiêu thụ giảm ở Trung Quốc nên Coca-Cola cũng bắt đầu tham gia vào thị trường cà phê bằng cách mua lại chuỗi cà phê Costa của Anh với giá 1,5 tỷ USD vào năm ngoái. Hiện Costa đang thực hiện mục tiêu mở 1.200 cửa hàng ở Trung Quốc vào năm 2022.
Tháng 8 năm ngoái, Starbucks hợp tác với Alibaba trong việc giao cà phê và Luckin cũng không chịu thua kém khi hợp tác với Tencent chỉ một tháng sau đó. Nhà đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock đang đặt cược vào cả 2 chuỗi cà phê này với việc sở hữu gần 7% cổ phần Starbucks và đầu tư 125 triệu USD vào vòng gọi vốn mới nhất của Luckin Coffee.