Giờ Trái đất là một sự kiện quốc tế hàng năm do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund – WWF) sáng lập, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trên thế giới về biến đổi khí hậu.
Vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng ba, chúng ta sẽ dành 1 giờ đồng hồ, từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút để tắt đèn, góp phần cắt giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường. Qua mỗi năm, sự kiện lại thu về nhiều con số thống kê ấn tượng.
Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Thực sự, chúng ta cần nhiều hơn là một giờ để cứu lấy Trái đất này.
Cẩn trọng trước tác dụng ngược của giờ Trái đất
Sự cắt giảm điện năng đột ngột không giúp hạn chế lượng khí thải ra môi trường nhiều như chúng ta nghĩ.
Đúng là việc ngưng không sử dụng điện trong 1h đồng hồ có thể giảm được một lượng khí thải tương đối lớn.
Nhưng theo các chuyên gia về năng lượng, khi mọi người đồng loạt mở đèn lại vào thời điểm kết thúc Giờ Trái đất, quá trình khởi động của động cơ cùng các thiết bị điện sẽ sản sinh ra lượng khí thải không hề nhỏ.
Ngoài ra, một số thói quen bên lề trong Giờ Trái đất có khả năng gây lãng phí một cách vô ích. Ví dụ như trong các sự kiện Giờ Trái đất đầu tiên, người dân tập trung ra đường và thắp nến, điều này vô tình thải ra nhiều CO2 hơn bình thường.
Các Giờ Trái đất sau này đã hạn chế được việc thắp nến. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thành phần vô ý thức thoải mái xả rác khi sự kiện kết thúc, khiến cho mục đích của Giờ Trái đất bị phản tác dụng.
Nhưng bạn biết không, kể cả khi lượng khí thải cắt giảm không đáng kể, giờ Trái đất vẫn là một sự kiện cần thiết. Bởi vì...
Mục đích thực sự của giờ Trái đất - không chỉ một giờ!
Mục tiêu của chúng ta là gì? Có phải là để kêu gọi các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp cắt giảm lượng khí thải công nghiệp ra môi trường hay không?
Có phải là để làm băng ngừng tan ở các cực, cứu lấy sự đa dạng của động thực vật, và hơn hết cần phải bảo vệ tương lai của hành tinh hay không? Thế thì làm sao mà một giờ tắt đèn lại đủ để giải quyết được điều đó?
Một giờ làm sao có thể ngăn được điều này?
Nhưng thực ra, con số 1 giờ chẳng qua chỉ là một khoảnh khắc, là một tấm gương phản chiếu ý thức và khát khao của con người về một sự thay đổi trong tương lai. Nhiệm vụ của nó là cảnh tỉnh mọi người, tuyên truyền về vấn đề biến đổi khí hậu và kêu gọi mọi người chung tay góp sức bảo vệ hành tinh xanh.
Trong thời gian đó, bao nhiêu năng lượng được tiết kiệm? Điều đó không quan trọng. Theo Colin Butfield - trưởng chiến dịch tại WWF, mục đích chính của Giờ Trái đất không chỉ là về tiết kiệm năng lượng, mà là để nâng cao ý thức của người dân.
Ông cho biết: "Giờ Trái đất là một dịp để mọi người thể hiện sự quan tâm đến biến đổi khí hậu, và truyền đạt mong muốn những nhà lãnh đạo trên thế giới phải hành động ngay. Đó là một sự kiện mang tính truyền cảm hứng, khi rõ ràng mọi người trên thế giới đang cho thấy sự quan tâm ngày càng lan tỏa về biến đổi khi hậu. Con số trong 1h có thể không lớn, nhưng ý thức và giá trị về sau thì là vô hạn".
Tóm lại, hưởng ứng Giờ Trái đất là tốt, nhưng chưa đủ. Để thực hiện đúng mục tiêu mà nó đưa ra, bạn cần phải có ý thức hơn về môi trường sống của mình. Ví dụ những hành động đơn giản nhất là: vứt rác đúng nơi quy định, tăng cường đi bộ - đi xe đạp thay vì xe máy và ô tô, hạn chế sử dụng ống hút khi uống nước...
Môi trường mà ta đang sống không phải là do ông bà để lại, mà chính là ta đang vay mượn con cháu. Hãy góp phần nâng cao ý thức của mọi người, để góp phần giữ lấy tương lai xanh cho thế hệ sau.
Chúc bạn có một Giờ Trái đất thật ý nghĩa.
Nguồn: Huffingtonpost, Telegraph