Một cư dân mạng Trung Quốc mới đây kể: "Tối hôm trước, tôi đi mua sắm với bạn thân là Lý Yên, hai đứa ngang qua một cửa hàng trái cây. Cô ấy bước vào và đi thẳng đến quầy sầu riêng, lưỡng lự một lúc lâu và kéo tôi đi. Tôi hỏi: "Sao không mua? Bạn sợ calo quá cao à?".
Lý Yên xấu hổ ôm lấy cánh tay tôi, cười nói: "Không, mình rất muốn mua, nhưng tính toán một hộp giá hơn 200 tệ, quá tốn kém. Bố mẹ ở nhà tằn tiện, làm sao tôi có thể phung phí". Tôi ngạc nhiên: "Nhưng bây giờ bạn đã độc lập về tài chính rồi, một quả sầu riêng có đáng giá bao nhiêu?". Tôi vốn dĩ muốn nói ra điều này để xoa dịu những cảm xúc rối bời của bạn mình. Nhưng khi Lý Yên nói: "Mình cảm thấy mình không xứng đáng được ăn trái cây đắt tiền như vậy" thì tôi không biết phải đáp lại thế nào.
Khó thoát khỏi cảm giác "mình không xứng đáng"
Đã ở tuổi trung niên nhưng Lý Yên vẫn bị chi phối bởi cảm giác "mình không xứng đáng". Cô kể rằng khi còn nhỏ, mẹ không có ở nhà một thời gian, bố nấu ăn rất khó ăn và ngày nào ông cũng chiên đậu hũ.
Để giúp các em ăn ngon hơn, Lý Yên đã dùng số tiền tiêu vặt bấy lâu nay để mua một cây bắp cải và làm một món thịt. Kết quả là trong bữa trưa, cô đã bị bố mắng rất lâu với lý do ông đã làm việc chăm chỉ để kiếm tiền trong khi con lại tiêu tiền lãng phí.
Từ đó trở đi, cảm giác "mình không xứng đáng" đã khắc sâu vào cuộc đời cô. Khi muốn mua thứ gì đó, Lý Yên luôn nghĩ đến việc bị chỉ trích vì một cây bắp cải.
Có một câu trên mạng: Những đứa trẻ từ nhỏ không được gia đình thừa nhận sẽ mang mặc cảm tự ti, lớn lên không thể chữa lành. Bất cứ ai từng trải qua đều có thể cảm thấy rằng "mình không xứng đáng" của một người thường đi kèm với một số điều mà người đó đã trải qua thời thơ ấu .
Trẻ nhỏ chưa hình thành hệ thống giá trị ổn định và sẽ lấy lời nói của cha mẹ làm tiêu chuẩn. Những gì cha mẹ nói là những gì trẻ nghĩ mình sẽ trở thành.
Cũng giống như Lý Yên, cha cô cho rằng con tiêu tiền phung phí và không hiểu được sự vất vả của người lớn. Và kiểu đánh giá này trở thành sự tự đánh giá của Lý Yên.
Chính vì điều này mà khi lớn lên và có khả năng tài chính, cô vẫn không thể tiêu tiền một cách vui vẻ cho bản thân vì cho rằng "mình không xứng đáng". Bạn không xứng đáng được ăn ngon, không xứng đáng được mặc đẹp, không xứng đáng được dùng những thứ tốt. Điều đáng sợ hơn nữa là một khi cảm giác "mình không xứng đáng" này nảy sinh thì rất khó để thoát khỏi.
Làm cha mẹ, nếu con cái nói ra "mình/con không xứng đáng" thì chứng tỏ quá trình giáo dục của bạn đã có những lỗ hỏng rồi!
Lời nói không đúng mực của cha mẹ giống như một mũi kim
Cha mẹ sử dụng bản sắc riêng và kinh nghiệm trong quá khứ của mình để dạy con cách trở thành một "đứa trẻ ngoan". Tuy nhiên, điều họ không biết là một số lời nói không phù hợp chẳng khác nào một mũi kim đâm vào đời trẻ. Chiếc kim này không chỉ mang lại nỗi đau mà còn khiến các em rơi vào tình trạng "thiếu thốn suốt cuộc đời.
Nghệ sĩ Liu Yaohua từng tổ chức triển lãm cá nhân với chủ đề "Khó chịu" vào năm 2022. Bức tranh chủ yếu vẽ một số quả táo "thối", và nói "thối" không hề cường điệu chút nào.
Những quả táo này lớn lên từ những cây táo mà Liu Yaohua đã trồng trong thời gian ở nhà. Tất nhiên, cây táo không có gì sai, nhưng anh ấy đã làm một thí nghiệm.
Khi những quả táo lớn bằng quả óc chó, Liu Yaohua đâm một chiếc kim vào từng quả táo, tổng cộng có 175 quả. Ban đầu anh nghĩ rằng những điều này sẽ ít ảnh hưởng, nhưng nhận ra rằng không phải vậy. Những quả táo được tiêm đâm phát triển chậm hơn những quả táo bình thường khác và có hình dạng méo mó.
Thời gian trôi qua, những quả táo này không phát triển to và bụ bẫm như những quả táo bình thường mà một phần còn bị rụng đi trong quá trình sinh trưởng. Cuối cùng, chỉ còn lại 75 trong số 175 quả táo trải qua thí nghiệm.
Liu Yaohua nói: "Nhìn chúng đung đưa trong gió, tôi có thể tưởng tượng những quả táo này đang chiến đấu quyết liệt như thế nào với những chiếc kim thép trong cơ thể từng phút giây".
Vì những chiếc kim thép nằm bên trong cơ thể nên những quả táo này bị xáo trộn và không thể phát triển thành hình dạng tốt hơn. Đối với trẻ con cũng vậy, chúng giống như những quả táo đang trồng, và một số lời nói của cha mẹ giống như những cây kim.
Khi người lớn bày tỏ sự không hài lòng với trẻ bằng những lời lẽ gay gắt hoặc không ghi nhận thành tích của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy bất an.
Khi không vượt qua được những lời nói xấu, chúng sẽ dần dần trở thành người thiếu tự tin, không tích cực và cho rằng mình không xứng đáng nhận được những kết quả tốt.
Hãy trao cho trẻ tình yêu thương mà chúng xứng đáng được nhận
Đối với trẻ em, nếu nhận được phản hồi tích cực từ cha mẹ, chúng sẽ cảm thấy mình được chấp nhận, tôn trọng và cho phép, từ đó phát triển cảm giác xứng đáng. Ngược lại, nếu không được phép làm gì và nhu cầu không được đáp ứng thì cảm giác "mình không xứng đáng" sâu sắc sẽ nảy sinh.
Là cha mẹ, điều kiện tiên quyết để yêu thương con cái là chấp nhận vô điều kiện. Chỉ bằng cách này, bạn mới không nhân danh tình yêu và yêu cầu con mình trở thành những gì bạn muốn chúng trở thành theo tiêu chuẩn hoặc mong đợi của riêng bạn.
Tình yêu đích thực là sự hỗ trợ và phản hồi tích cực, có thể tiếp thêm sức mạnh cho trẻ, giúp trẻ tìm thấy ý thức về giá trị bản thân và dần dần tin rằng mình có khả năng đạt được mục tiêu và xứng đáng có được kết quả tốt.
Nuôi dưỡng ý thức xứng đáng là một quá trình lâu dài và tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và nỗ lực không ngừng của cha mẹ và các nhà giáo dục. Bằng cách tạo ra một môi trường yêu thương, hỗ trợ và khuyến khích, chúng ta có thể giúp trẻ phát triển ý thức mạnh mẽ về giá trị, mang lại cho chúng sự tự tin và sức mạnh khi lớn lên.