SVĐ mới dự kiến sẽ có 61.000 chỗ ngồi, lớn hơn rất nhiều so với White Hart Lane (36.284 chỗ). Đây là kế hoạch đầy tham vọng của Tottenham. Họ muốn trở thành thế lực thực sự tại Premier League về cả chuyên môn vẫn kinh tế chứ không chịu làm "hiện tượng" mãi.
Trước khi chuyển đến sân mới vào mùa giải 2018/2019, Gà trống sẽ có một năm lấy Wembley là sân nhà. Nghe thì đầy vinh dự, nhưng thực chất lại chứa đựng rất nhiều rủi ro.
"Hiểm địa" Wembley
White Hart Lane là một trong những SVĐ có đường pitch hẹp nhất Premier League. Chiều dài sân là 100m, chiều rộng 67m, diện tích 6700 m2. Chỉ có Britannia của Stoke City là nhỏ hơn, với diện tích 6400m2.
Tận dụng đặc điểm này, HLV Pochettino đã xây dựng lối đá áp sát liên tục, gây sức ép khủng khiếp lên bất cứ đối thủ nào. Ngay cả Chelsea hùng mạnh hay Arsenal, Man United cũng dễ dàng vỡ vụn khi hành quân tới White Hart Lane.
Wembley là thế giới khác hẳn. Với kích thước 105x69m (7245m2), SVĐ sẽ biến Tottenham trở thành đội sở hữu mặt sân lớn nhất Premier League.
White Hart Lane lọt thỏm so với Wembley.
Mùa giải 2016/17, Gà trống chọn Wembley là sân nhà cho Champions League. Và họ thua 2 trận trước Monaco và Leverkusen, chỉ thắng được CSKA Moscow khi mọi thứ đã an bài.
Sự tương phản giữa thi đấu tại White Hart Lane và Wembley cực kỳ rõ nét. Ở các trận đấu tại White Hart Lane, 62,7% các cơ hội ăn bàn của Tottenham xuất phát từ trung lộ, 17,9% từ cánh trái và 19,4% từ cánh phải. Còn khi đá trên Wembley, 46,5% cơ hội lại đến từ cánh phải, 44,2% từ trung lộ và 9,3% từ cánh trái.
Gà trống cũng gặp vấn đề lớn trong khâu phòng ngự. Với SVĐ rộng hơn tới 545m2, họ không thể đeo bám liên tục và bọc lót kịp thời.
West Ham từng lâm vào tình cảnh tương tự khi chuyển đến London Stadium. Mùa giải 2015/16, đội bóng này bất bại 15/16 trận cuối cùng tại Upton Park. Sang sân mới, West Ham thua nhiều hơn thắng và suýt xuống hạng.
Nếu HLV Pochettino không tìm ra giải pháp hợp lý, Tottenham khó lòng duy trì được sức mạnh như mùa giải năm nay. Tham vọng đua tranh tại Premier League vì thế cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Xây sân mới, bán cầu thủ?
Dốc một số tiền lớn để xây SVĐ, Tottenham sẽ khó cùng lúc chi tiêu mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng. Thậm chí, họ còn đứng trước nguy cơ tụt lại trong cuộc đua về lương thưởng cho cầu thủ.
Trường hợp xấu nhất, Gà trống có thể phải bán những ngôi sao sáng nhất đi để giảm bớt gánh nặng, giống như Arsenal từng làm trong quá khứ.
Điều đáng nói là lực lượng của Tottenham lúc này thuộc loại "hấp dẫn" nhất châu Âu. Họ sở hữu một loạt cầu thủ còn trẻ nhưng đã sớm chứng minh được thực lực như Harry Kane, Eriksen, Dele Alli, Eric Dier. Những Alderweireld, Kyle Walker, Danny Rose, Wanyama cũng đều trong "tầm ngắm" của các CLB lớn. Một cuộc chảy máu lực lượng luôn sẵn sàng ập đến.
Ngay cả HLV Pochettino cũng bị các đội bóng lớn "dòm ngó".
Mùa giải này Tottenham đã phá hàng loạt kỷ lục. Tuy nhiên, họ chẳng giành được một danh hiệu nào. Đó là điểm yếu lớn nhất của Gà trống.
Sau khi xây Emirates, Arsenal hùng mạnh là thế đã trắng tay tới 7 mùa giải cho đến khi đoạt FA Cup mùa 2013/14. Chắc chắn, các CĐV Tottenham không hề muốn đội bóng của mình rơi vào tình cảnh như vậy.