Đế chế 150 năm từng thống lĩnh thị trường suy tàn trong chớp mắt: Ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra 3 từ huỷ diệt

Thùy Anh |

Cho dù biết trước về mối nguy hiểm của iPhone và iOS nhưng Nokia vẫn bị sụp đổ chỉ sau một thời gian ngắn.

"Chúng tôi không làm gì sai nhưng Nokia vẫn sụp đổ"

Tại một buổi chia sẻ, doanh nhân Hoàng Nam Tiến đã nhắc đến hãng điện thoại đình đám Nokia. Đã từng có thời điểm, Nokia là hãng điện thoại di động dẫn đầu thế giới. Ở Việt Nam, hãng cũng chiếm tới 72% thị trường mặt hàng này. Bản thân ông Hoàng Nam Tiến từng là Giám đốc đơn vị phân phối Nokia ở cả Việt Nam. Khi đó, trong 10 người dùng điện thoại thì có tới 7 người đang sử dụng máy có tem của FPT (Nokia).

Trong một cuộc gặp gỡ sau này, khi Nokia đã suy thoái, CEO của hãng đã nói với ông Tiến: "Chúng tôi không làm gì sai nhưng Nokia vẫn sụp đổ." Vậy lý do là vì sao?

Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần ngồi lại để xem bản thân thành công vì những việc gì, xem xã hội biến động ra sao, thị trường thay đổi như thế nào, đối thủ cạnh tranh sẽ thế nào, khách hàng đã thế nào... Việc nhìn lại là để xác định tiếp theo sẽ phải làm gì mới mẻ.

"Một cụm từ tôi dùng trong doanh nghiệp đó là 'nghĩ khác làm khác'. Bởi vì chúng ta đã rất thành công, chúng ta sẽ làm theo quán tính và có thái độ 'tôi biết rồi'. Câu nói đó chuẩn bị sẵn mồ chôn cho doanh nghiệp. Và chính lãnh đạo Nokia là những người 'tôi biết rồi'. Họ nghĩ rằng cái điện thoại là phải có 30, 40 cái phím bấm như vậy. Họ không thể tưởng tượng điện thoại không có phím bấm mà Steve Jobs nghĩ ra. Họ nghĩ rằng cái điện thoại kỳ lạ mà Steve Jobs nghĩ ra ai mà dùng. Nhưng sự thật thì họ đã ngủ quên trên chiến thắng."

Việc ngồi lại, xem xét cục diện giúp các nhà lãnh đạo suy nghĩ cẩn thận về tương lai và nghĩ khác, làm khác cho tương lai của mình.

Đế chế 150 năm từng thống lĩnh thị trường suy tàn trong chớp mắt: Ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra 3 từ huỷ diệt- Ảnh 1.

Ông Hoàng Nam Tiến. Ảnh: Internet

Nhìn lại lịch sử phát triển của Nokia, năm 2008, hãng đã thống lĩnh thị trường điện thoại di động với gần 40% thị phần. Trước khi thất bại, Nokia từng được coi là thương hiệu dẫn đầu của cuộc cách mạng điện thoại di động.

Năm 2009, Nokia là thương hiệu có giá trị thứ 5 trên thế giới. Tua nhanh sang năm 2014, Nokia tụt xuống vị trí thứ 98 trong bảng xếp hạng. Năm 2007, hơn một nửa lợi nhuận từ ngành điện thoại di động thuộc về Nokia. Năm 2013, họ rơi vào tình thế nguy cấp đến mức Microsoft phải ra tay cứu giúp.

Hành trình lên đỉnh cao của Nokia, một doanh nghiệp có lịch sử hơn 150 năm diễn ra nhanh chóng, sự suy giảm của họ cũng tương tự.

Tại sao Nokia lại thất bại?

1. Chú trọng quá mức vào phần cứng

Mặc dù Nokia được biết đến với chất lượng phần cứng vững chắc, nhưng công ty lại không tập trung đủ cho phần mềm, đặc biệt là khi người dùng ngày càng ưa chuộng các hệ điều hành như Android của Google và iOS của Apple. Nokia đã không kết hợp sớm với Android mà thay vào đó lại hợp tác với Microsoft, dẫn đến tổn thất nặng nề.

2. Thiếu đổi mới

Trong khi cố gắng cập nhật các dòng sản phẩm điện thoại mới với công nghệ hiện đại, Nokia lại không thể cung cấp những tính năng thực sự đột phá và hướng tới tương lai. Cả dòng điện thoại cao cấp và tầm trung của Nokia đều không thành công, đồng thời sự gia nhập của nhiều thương hiệu khác đã làm thị trường càng khó khăn hơn cho Nokia.

Đế chế 150 năm từng thống lĩnh thị trường suy tàn trong chớp mắt: Ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra 3 từ huỷ diệt- Ảnh 2.

Những chiếc điện thoại đình đám một thời. Ảnh: Reddit

3. Thiếu hệ sinh thái hoàn chỉnh

Google và Apple xây dựng thành công một cộng đồng gồm nhà sản xuất, nhà phát triển và khách hàng, trong khi Nokia lại không tham gia vào hệ sinh thái này. Điều này đã khiến công chúng mất dần hứng thú với thương hiệu.

4. Sự trỗi dậy của thị trường di động Trung Quốc

Có một thực tế là các thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc phát triển với tốc độ chóng mặt, sản xuất điện thoại nhanh hơn nhiều so với quá trình Nokia đưa ra ý tưởng mới.

Nokia vẫn còn là một tượng đài dù danh tiếng chẳng còn được như trước. Có thể nói, sự thất bại của Nokia đã trở thành bài học "xương máu" cho các doanh nghiệp đi sau. Họ chính là một ví dụ điển hình của việc thay đổi cả ngành công nghiệp, và cũng là ví dụ điển hình cho việc chậm thay đổi thì sẽ chết.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại