Đường Thái Tông Lý Thế Dân là con thứ hai của Đường Cao Tổ Lý Uyên, cũng là vị vua thứ hai của nhà Đại Đường. Năm lên 4 tuổi, một vị thầy tướng số từng nhìn Lý Thế Dân mà tiên đoán: "Người này tương lai nhất định có thể tế thế an dân, lưu danh sử sách".
Quả nhiên sau này, Lý Thế Dân đã khai sáng thời kỳ thịnh trị "Trinh Quán chi trị" của Đường triều, được hậu thế ca tụng là vị minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Hoa.
Tranh chân dung Đường Thái Tông Lý Thế Dân - minh quân nức tiếng Đường triều. (Tranh: nguồn internet).
Vậy nhưng, năm 52 tuổi, vị Hoàng đế nổi danh ấy lại đột ngột băng hà, nguyên nhân qua đời cũng được sử sách ghi chép qua loa.
Cho tới ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đều khẳng định: Đường Thái Tông Lý Thế Dân qua đời vì "nối gót" con đường của Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế năm xưa.
Từng cười chê Thủy Hoàng, Vũ Đế vì luyện đan dược
Vào thời nhà Tống, học giả nổi tiếng là Tô Triệt từng đánh giá Đường Thái Tông Lý Thế Dân là "người hiền đức", là vị minh quân "từ thời Tây Hán tới nay chỉ có một".
Nhưng ít ai biết rằng, cuộc đời của vị minh quân Đường triều ấy lại tồn tại nhiều vết đen không tài nào gột rửa.
Sinh ra trong thân phận con thứ, để chiếm đoạt được ngai vàng, Lý Thế Dân từng gây nên cuộc binh biến Huyền Vũ môn, giết chết anh em ruột, sau lại chiếm đoạt em dâu, chị dâu.
Là một minh quân nổi danh hiền đức, nhưng cuộc đời của Lý Thế Dân từng ghi nhận không ít "vết đen" đẫm máu. (Ảnh minh họa: phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ).
Trong thời gian cai trị, ông còn từng gây ra hai cuộc thảm sát ở Hạ huyện và giết hàng loạt người quy hàng vì tư thù với Đan Hùng Tín. Vậy nhưng, những cuộc tắm máu ấy lại không khiến Lý Thế Dân bị hậu thế chê cười bằng việc ông qua đời vì "ngộ độc" tiên đan.
Sinh thời, Lý Thế Dân nam chinh bắc chiến, dành giang sơn về cho họ Lý, sau lại tự cướp ngai vàng về tay mình.
Những năm tháng thanh niên, ông là người không hề mê tín, không tin vào linh đơn, đan dược, thậm chí còn cười nhạo Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế năm xưa chết vì ham mê thuốc trường sinh.
Trượt dài trên vết xe đổ của tiền nhân
Vậy nhưng, vào Trinh Quán thứ 10 (năm 636), sau khi trở về từ chiến dịch Liêu Đông, Đường Thái Tông bắt đầu cho tìm các đạo sĩ trên khắp đất nước để tiến hành điều chế đan dược trường sinh bất lão.
Chín năm sau, tức năm Trinh Quán thứ 19, trong trận chiến với Cao Câu Ly, Lý Thế Dân bị trúng tên, thương tích nặng tới nỗi thập tử nhất sinh. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu long thể của vị vua này bắt đầu bước vào giai đoạn kiệt quệ.
Gần 10 năm sau khi bắt đầu dung đan dược, long thể của Đường Thái Tông xuống dốc nhanh chóng. (Ảnh minh họa: phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ).
Cũng trong năm ấy, "Tư trì thông giám" có ghi chép: "Khi Thái Tông ngự giá đông chinh, từng mắc qua căn bệnh mụn nhọt lở loét". Đây là dấu hiệu xuất hiện phổ biến ở những người lạm dụng đan dược.
Thời bấy giờ, các đạo sĩ thường cho rằng mụn nhọt là biểu hiện cơ thể bài trừ độc tố ra ngoài. Nhưng thực chất, đây lại là dấu hiệu "trúng độc".
Năm Trinh Quán thứ 21, Đường Thái Tông bị trúng phong, buộc phải nằm bất động trên giường, ngay tới việc thiết triều cũng không thể.
Trải qua hơn nửa năm ròng châm cứu và chữa trị, bệnh tình của ông mới được cải thiện phần nào, nhưng cũng chỉ có thể lên triều 3 ngày một lần.
Trong những năm cuối đời, tần suất lâm triều của Đường Thái Tông giảm hẳn vì lý do sức khỏe. (Ảnh minh họa: phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ).
Trong những năm tháng nằm trên giường bệnh, từng ngày từng giờ phải chiến đấu với tử thần, Lý Thế Dân trở nên thèm khát sự bất tử, trường sinh hơn bao giờ hết.
Sau bao năm uống đan dược của các phương sĩ trong nước nhưng vô hiệu, Đường Thái Tông càng thêm mê muội, liền cắt cử người đi tìm kiếm những cao nhân nước ngoài.
Năm Trinh Quán thứ 22, đại thân Vương Huyền Sách có tiến cử cho nhà vua một vị cao tăng Ấn Độ tên là Na La Di Sa Bà.
Cao tăng này tự nhận mình đã sống tới 200 tuổi và có trong tay phương thuốc kéo dài tuổi thọ, có tên là "thiên niên chi dược".
Việc chế tạo linh đơn, đan dược, luyện thuốc trường sinh từ lâu đã trở nên phổ biến trong hoàng cung. (Tranh minh họa).
Đường Thái Tông cả đời sáng suất, nhưng cuối đời lại tin vào những lời hão huyền phi lý ấy, thậm chí còn ban cho hòa thượng ngoại quốc kia một dịch quán vô cùng xa hoa.
Viết về sự việc này, sử cũ có ghi: "Thái Tông vô cùng lễ kính, thường xuyên lui tới đạo quán để luyện loại thuốc "thiên niên" kia.
Chưa dừng lại ở đó, Lý Thế Dân hạ lệnh cho Binh bộ Thượng thư Thôi Đôn Lễ giám sát việc luyện chế đan dược, còn ban chiếu bắt toàn dân phải "dâng nộp những loại thuốc quý", số lượng "kỳ thảo dị thạch" thu về nhiều không đếm xuể.
Từng cười chê Thủy Hoàng, Vũ Đế, nhưng Đường Thái Tông lại dẫm vào vết xe đổ của họ vì khát vọng trường sinh mù quáng. (Tranh minh họa).
Dù dốc sức tu luyện và tin dùng linh đơn, nhưng vị minh quân nhà Đường ấy lại không hề ngờ rằng tuổi thọ của mình lại bị chính những thứ "đan dược" rởm kia rút ngắn.
Sau một thời gian dài lạm dụng đan dược, sức khỏe của Đường Thái Tông lâm vào tình trạng kiệt quệ. Trong những ngày tháng cuối đời, Lý Thế Dân thoi thóp trong tình trạng kiết lị, bụng dưới chướng to, ruột bị thủng và xuất hiện khối u dưới rốn.
Cuối cùng, Lý Thế Dân băng hà vì kiệt quệ và đau đớn ở tuổi 52. Thật khó có thể tin rằng, vị minh quân từng chê cười Thủy Hoàng, Vũ Đế vì việc luyện đan dược, sau cùng lại trượt dài trên vết xe đổ năm xưa của tiền nhân đến nỗi vong mạng.