Ngày 30/5, Quốc hội bước vào 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017. Các thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhận xét, nhìn vào những con số tăng trưởng trong báo cáo của Chính phủ, nhiều người sẽ bày tỏ sự vui mừng. Nhưng thực tế, người dân lại hoài nghi, chưa vui vì "thiếu niềm tin".
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, hiện còn nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội chưa được giải quyết.
Đề cập đến vấn nạn gian lận thi cử, đại biểu Hiếu cho biết, cử tri đang rất bức xúc, mong mỏi phải xử lý nghiêm minh, chỉ ra những thiếu sót trong kỳ thi THPT Quốc gia và người chịu trách nhiệm cụ thể, không thể nói "đây hoàn toàn là lỗi địa phương".
Bởi theo ông Hiếu, gian lận thi cử không chỉ xảy ra ở một địa phương mà ở nhiều nơi khác.
"Mỗi năm một lần Bộ thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Tuy nhiên, càng cải cách kết quả càng kém hơn, tiêu cực càng phát hiện nhiều hơn.
Và trong 3 năm vừa qua, Bộ cũng chưa có tập huấn, chỉ đạo các tỉnh về những kẽ hở khâu thực thi, không có biện pháp ngăn chặn phần mềm chấm môn tự luận qúa lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh…
Bộ cũng không có đánh giá kết quả thi hàng năm của các tỉnh, TP như thế nào. Nếu phân tích kết quả, thì không thể không đặt câu hỏi vì sao, học sinh khá, giỏi các tỉnh miền núi lại cao hơn học sinh TP Hà Nội, Hồ Chí Minh", ông Hiếu nói.
Nam đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nhấn mạnh thêm: "Nếu phúc tra cả nước sẽ phát hiện ra rất nhiều sai phạm trong kỳ thi THPT vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, quy trình nên cần phải có giải pháp giải quyết từ gốc một cách hiệu quả".
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) cũng cho rằng, chưa cần nói đến tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, giáo dục vẫn được coi là một "mảng tối".
Ông nói, giáo dục vẫn là một lĩnh vực lớn, phức tạp, được cả xã hội quan tâm và cần đánh giá cao ngành giáo dục, đào tạo trong thời gian qua nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ cứ loay hoay nhiều vấn đề, mà dường như ít đem lại kết quả như mục tiêu đề ra.
"Cải tiến nối tiếp cải tiến nhưng trong thi cử, sự cải tiến chưa mang lại kết quả gì rõ ràng thì tiêu cực, sai phạm đã phát sinh", ông Cương nói.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương.
Ông thông tin, quá trình tiếp xúc cử tri cho thấy, rất nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng giáo dục và bệnh thành tích, tiêu cực.
"Điều đó cho thấy, người dân không yên tâm mà còn mất niềm tin với giáo dục. Thử hỏi rằng, một nền giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục như vậy, tiêu cực trong giáo dục còn khá nặng nề.
Cộng với thị trường văn bằng chứng chỉ giả rất sôi động như vừa rồi Công an Hà Nội bắt một vụ đã thu hàng tấn phôi bằng giả", ông Cương nêu.
Ông nhấn mạnh thêm, ngay tại sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018, ông dám chắc, Bộ GD-ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại gây ra.
"Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà. Là người tổ chức kỳ thi do mình xây dựng, tiến hành nhưng Bộ không kiểm soát được.
Ngay cả sai phạm xảy ra, không phải Bộ phát hiện mà do một nhóm giáo viên ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi Bộ mới vào cuộc. Nhưng điều đáng nói hơn là khi làm rõ được sai phạm, việc công khai danh tính của học sinh, phụ huynh liên quan sai phạm thì Bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nhạy cảm, nhân văn.
Tuy nhiên, xin thưa, tất cả mất mát lớn nhất của vụ việc này là đạo đức xã hội. Chỉ khi xử lý triệt để vụ việc này mới lấy lại được niềm tin của người dân.
Sau sai phạm của kỳ thi 2018, Bộ đã nỗ lực để tổ chức, đảm bảo kỳ thi 2019 nghiêm túc, an toàn nhưng ai dám đảm bảo sai phạm không xảy ra nữa", ông Cương nói thêm.
Giá điện tăng: Phải chăng do độc quyền?
Về giá điện, Bộ Công Thương đã có báo cáo, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng, cũng như trong khám, chữa bệnh, cho dù phác đồ đúng mà vẫn có vấn đề thì phải xem xét lại. Bởi đôi khi lý thuyết đúng, triển khai lại sai ở "mắc xích" nào đó. Khi đó, cần phải dừng lại xem xét chứ không thể chủ quan, duy ý trí.
Vậy nên khi rất nhiều người dân bức xúc, theo ông Hiếu, Bộ Công Thương cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc về cách thức quản lý, giám sát của mình trong việc điều hành, quản lý.
"Phải chăng nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do độc quyền trong việc mua bán, truyền tải điện?", ông Hiếu đặt vấn đề.
ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập đến việc giá điện tăng 8,36% và thuế môi trường với xăng cũng tăng từ 1/1/2019, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng, gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường.
Nữ đại biểu đồng ý giá các mặt hàng phải tiến dần tới thị trường, tính đúng, đủ các chi phí cấu thành. Song bà lưu ý, thời điểm nào sẽ cho tăng giá là rất quan trọng, bởi ảnh hưởng tới lạm phát. "Chính phủ cần giải pháp để kiềm chế lạm phát", bà Yến nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng cho rằng, tăng giá điện thời điểm hiện tại chưa phù hợp dù việc tăng giá điện đã được tính toán và nằm trong lộ trình.
ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, có đúng trình tự, quy định không, nếu sai xử lý ra sao?
Ngoài ra, bà Phúc lo ngại việc tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng "té nước theo mưa", các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá gây bức xúc cho nhân dân.