Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại QH
Đề cập chính sách ưu đãi trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, lần này đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, để tận thu tài nguyên và đóng góp vào ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí thuộc thẩm quyền của Chính phủ trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.
“Nếu trao cơ chế độc quyền thì dễ sinh ra ỉ lại, không cần đổi mới, vì cơ chế độc quyền sinh ra lạm quyền, không chịu thay đổi. Phải thiết kế theo hướng PVN có trách nhiệm chính trị nhưng vẫn phải hoạt động bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp và có tính cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác”.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị thuyết minh cụ thể về mức đóng góp trở lại đối với ngân sách nhà nước và hiệu quả của các mức ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.
Bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; thời hạn xác định nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm, thời hạn thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là điều kiện để áp dụng ưu đãi đặc biệt.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại QH
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong hoạt động đấu thầu, với lĩnh vực dầu khí, khả năng chỉ định thầu là cao nhất. Bởi có nhiều lô dầu khí không ai muốn khai thác, thậm chí dù muốn cũng không làm được, nếu lô dầu nằm ở những vị trí đặc biệt khó khăn. Chính vì thế cần quy định chỉ định thầu kỹ hơn so với các lĩnh vực khác.
Trong đó, PVN phải được ưu tiên số một trong chỉ định thầu; thứ hai là ưu tiên đối với nhà đầu tư nước ngoài đã và đang khai thác hiệu quả, có kinh nghiệm trong quá trình hợp tác với Việt Nam.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) lưu ý, nếu tiếp tục tạo cơ chế độc quyền cho PVN sẽ sinh ra lạm quyền, tiêu cực. Theo ông, PVN cũng là một doanh nghiệp, nên quyền và nghĩa vụ cũng phải như các doanh nghiệp khác.
“Nếu trao cơ chế độc quyền thì dễ sinh ra ỉ lại, không cần đổi mới, vì cơ chế độc quyền sinh ra lạm quyền, không chịu thay đổi. Phải thiết kế theo hướng PVN có trách nhiệm chính trị nhưng vẫn phải hoạt động bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp và có tính cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác”, ông Thắng cảnh báo.
Tăng tính tự chủ của PVN
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cũng lưu ý, PVN là đơn vị đặc thù, thực hiện cả nhiệm vụ kinh tế và an ninh quốc phòng. Do vậy cần tăng cường tính tự chủ của PVN, phân cấp, phân quyền cụ thể để đơn vị này hoạt động năng động, hiệu quả hơn, để phản ứng nhanh hơn trong mọi tình huống.
Ông cũng đề nghị phải xác định đây là luật chuyên ngành. Do vậy, các luật khác, nếu quy định trái với luật này thì phải thực hiện theo luật chuyên ngành.
Nhấn mạnh việc cần thiết sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý với PVN, phải điều chỉnh ở hai góc độ. Ở góc độ doanh nghiệp, PVN phải giống như các doanh nghiệp nhà nước khác, chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan.
Còn góc độ thứ hai, ngoài yếu tố kinh tế, cần quan tâm tới vấn đề thực hiện nghĩa vụ chính trị, trong thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt của PVN.