ĐBQH: Sửa Luật Thủ đô, tránh người tài ngồi dưới trướng người kém tài

ANH VĂN |

Đề cập nội dung trọng dụng nhân tài tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Lê Thanh Vân lưu ý về cơ hội thăng tiến, tránh người tài ngồi dưới trướng người kém tài.

Vấn đề này được đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đề cập khi góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, sáng 26/3.

Nhắc đến vấn đề thu hút, trọng dụng người tài, ông Lê Thanh Vân nhận định, nội dung đang thể hiện trong dự thảo luật còn mang tính quy phạm chính trị, cần phải thể chế thành quy định mạch lạc hơn.

ĐBQH: Sửa Luật Thủ đô, tránh người tài ngồi dưới trướng người kém tài- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. (Ảnh: Phạm Thắng)

Vị đại biểu Quốc hội cho rằng có 3 cách để thu hút nhân tài là thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử.

" Để trọng dụng người tài thì sở trường, năng lực nào bố trí công việc đấy, chứ không phải thu hút về xong để đấy, một người tài bố trí làm hành chính thì lãng phí. Bên cạnh đó là cơ hội thăng tiến, không thể để người người tài ngồi dưới trướng người kém tài, ngồi dưới trướng người vô hạnh ", ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong dự thảo luật cần ghi rõ những ưu đãi cho người tài về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở...

Đề cập vấn đề khen thưởng, kỷ luật, ông Lê Thanh Vân kiến nghị trong luật phải quy định khen thưởng những ai tuyển dụng, tiến cử người tài.

" Còn ai lạm dụng đưa người của mình vào thì kỷ luật cho nghiêm ", ông Lê Thanh Vân nói.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần bổ sung một điều về tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND. Với đặc điểm, đặc thù của Hà Nội thì cần trao cho thành phố quyền tự tổ chức cơ quan chuyên môn. Còn khung cứng do Chính phủ quy định thì cho phép Hà Nội tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp điều kiện, đặc điểm của mình.

" Phần "cứng" là cơ quan bắt buộc phải có theo quy định của Chính phủ như công an, quân đội, nội vụ, tư pháp. Còn cơ quan liên quan đến kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường thì giao cho thành phố toàn quyền quyết định theo tiêu chí của Chính phủ và Chính phủ chỉ giám sát, kiểm soát, quản lý tổ chức ", ông Lê Thanh Vân nói thêm.

Cũng góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đồng tình với quy định sử dụng nguồn tăng thu và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.

Qua đó, tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

ĐBQH: Sửa Luật Thủ đô, tránh người tài ngồi dưới trướng người kém tài- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Phạm Thắng)

" Tôi đề nghị nên quy định tổng quỹ lương của thành phố được xác định bằng tổng định mức biên chế bình quân chung của cả nước. Số biên chế thực tế của Hà Nội thấp hiện chỉ bằng 1/2 mức bình quân chung. Do vậy, phần còn lại của quỹ lương dư dôi do số lượng biên chế thực tế thấp chính là quỹ tiền lương tăng thêm của thành phố ", ông Hoàng Văn Cường nói.

Trên cơ sở đó, đại biểu nhận định, nếu Thủ đô càng sử dụng ít biên chế thì quỹ tiền lương tăng thêm càng nhiều và mức thu nhập tăng thêm của mỗi người càng cao, nhưng mức thu của từng cá nhân không bị giới hạn mà chỉ giới hạn tổng quỹ lương tăng thêm.

Liên quan đến phạm trù "thành phố thuộc thành phố", ông Hoàng Văn Cường cho biết, thành phố thuộc Thủ đô là một thể chế đặc thù. Mặc dù thành phố thuộc Thủ đô là đơn vị hành chính cấp hai như quận, huyện nhưng chức năng quản lý và vai trò quản lý hoàn toàn khác so với cấp quận, huyện.

Vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần có khái niệm về thành phố thuộc thủ đô và giao quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định các quyền năng và chính sách đặc thù, vượt trội của thành phố thuộc Thủ đô so với các quy định chung với các quận, huyện.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, rất cần thiết phải luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của Thủ đô để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn hai bên sông. Để từ đó, sông Hồng phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của thành phố để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất.

" Nhưng rất tiếc, hai bên bờ sông Hồng hiện đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội, do không thể tổ chức khai thác vì vướng vào một quyết định về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình, làm cho "đất vàng" hai bên sông tại Hà Nội cũng giống như bãi cỏ hoang hai bên sông ở các tỉnh khác ", ông Hoàng Văn Cường nêu thực tế.

Vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có các quy định về khai thác hai bên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy theo hướng quy định về căn cứ hình thành các hành lang, gồm hành lang mặt nước bảo vệ dòng chảy thường xuyên, hành lang thoát lũ vào mùa lũ, hành lang bảo vệ đê ngăn lũ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại