ĐBQH nói gì về hiện tượng 44/46 cán bộ đều làm lãnh đạo?

Tuệ Minh |

Nói về hiện tượng 44/46 cán bộ ở một sở làm lãnh đạo, các ĐBQH cho rằng đó là một điều không bình thường và cần phải được xem xét đánh giá vì sao như thế.

Trong những ngày qua, thông tin 46 người trong biên chế của Sở LĐ,TB &XH tỉnh Hải Dương chỉ có hai người là chuyên viên, còn lại 44 người đều có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên đã được dư luận quan tâm đặc biệt.

Bên hành lang Quốc hội, nói về hiện tượng này, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, điều đó rõ ràng giống như mô hình nhiều thầy, ít thợ. Ông Quốc cũng cảnh báo về những trường hợp tương tự có thể xảy ra.

"Chỉ cần một ông lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ, thăng chức cho hàng loạt người thì sẽ có hiện tượng này ngay. Việc này Quốc hội đã nhắc đến rồi, đó chính là hiện tượng hoàng hôn nhiệm kỳ", ông Quốc nói.

Vị ĐBQH này cũng đặt ta vấn đề trách nhiệm đối với đoàn ĐBQH của địa phương và những đại biểu HĐND của tỉnh Hải Dương cũng như Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan chức năng quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm giám sát bộ máy ở dưới.

Theo ông Quốc, lâu nay chúng ta luôn nói về giảm biên chế nhưng chỉ nghĩ là giảm số lượng, còn có một điều rất quan trọng của việc giảm biên chế chính là có một cơ cấu hợp lý nhất, có hiệu quả nhất. Còn cơ cấu như thế nào thì phải bàn.

Trước những câu giải thích rằng, quy trình đúng nhưng hệ quả lại khác, theo ông Quốc, đó là bởi quy trình là do con người làm nhưng thiếu sự giám sát của xã hội nói chung, của các cơ quan Nhà nước nói riêng nên mới dẫn đến hiện tượng như vậy.

ĐBQH nói gì về hiện tượng 44/46 cán bộ đều làm lãnh đạo? - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Ảnh: Tuấn Nam)

Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) cho rằng: "Đó là một điều không bình thường và đó không phải là phổ biến. Sự không bình thường cần được xem xét đánh giá vì sao như thế.

Nếu đúng như thế thì phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, không thể để có một thực tế như thế được. Lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên, vậy thì lãnh đạo ai, ai lãnh đạo và quá trình lãnh đạo, triển khai công việc mang lại hiệu quả như thế nào?".

Trước câu hỏi về việc dù đã có chủ trương siết chặt kỷ cương để thải loại những cán bộ yếu kém nhưng vẫn tồn tại, ông Học cho rằng: "Điều quan trọng nhất là xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ.

Chưa biết người đứng đầu có tiêu cực gì trong việc sắp xếp cán bộ hay không nhưng để thực tế không bình thường như vậy thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Chính phủ phải rà soát, đánh giá địa phương nào để xảy ra tình trạng như vậy, đã xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa. Nếu người đứng đầu chưa bị xử lý thì bây giờ phải xử lý. Có như vậy sẽ dẫn đến sự chuyển biến mang tính tích cực".

Khi đề cập đến việc quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra hiện tượng bất thường như vậy, một vấn đề được cho là khó khăn đã xảy ra: người bổ nhiệm cán bộ đã nghỉ và lãnh đạo đứng đầu Sở này là người mới đến.

Về vấn đề này, theo ông Học, không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho vị tân Giám đốc Sở nhưng phải xem xét trách nhiệm của người bàn giao và thái độ của người kế nhiệm: đồng tình hay không đồng tình, ý kiến như thế nào?.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại