ĐBQH: Lập đặc khu phải chú ý mặt trái như đầu cơ đất đai "vì có nguy cơ mất chủ quyền"

Hoàng Đan |

Đại biểu Lê Thanh Vấn kiến nghị, cần chú ý mặt trái của những mô hình đặc khu, kể cả mô hình thành công như Thẩm Quyến (Trung Quốc).

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Giơ biển phát biểu tranh luận, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định, hầu hết các ĐBQH đều ủng hộ dự án luật này, tuy nhiên nội dung và cách làm phải tính toán thêm.

Ông Vân cho rằng, cần phải tách chương 5 của dự án luật thành Nghị quyết thành lập các đơn vị hành chính. Bởi không thể có luật chung và luật riêng lồng ghép trong một đạo luật.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đặc biệt là ở Thẩm Quyến (Trung Quốc), quá trình điều chỉnh chính sách là vấn đề quan trọng nên điều chỉnh bằng nghị quyết thay vì luật", ĐB Vân nói.

Theo ĐB Vân, cần định nghĩa đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đặc khu, như vậy linh hoạt với từng mô hình.

"Cần lựa chọn Vần Đồn (Quảng Ninh) là đặc khu công nghệ cao, du lịch, dịch vụ; Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) là đặc khu kinh tế hỗn hợp; Phú Quốc (Kiên Giang) là đặc khu du lịch, dịch vụ và công nghệ sinh học", ông Vân góp ý.

Việc lựa chọn thế hệ của mô hình đặc khu theo ĐB Vân cần phải chú ý trên thế giới có 3 thế hệ đặc khu, thời kỳ sơ khai, thời kỳ hiện đại, thời kỳ trên hiện đại.

"Hiện nay có 3 nước Mỹ, Đức và Trung Quốc đang triển khai mô hình theo thế hệ thứ 3, đó là đặc khu chủ yếu tập trung vào công nghệ và trí tuệ sáng tạo. Còn dự thảo luật của chúng ta dường như thiết kế vào thế hệ thứ hai", ĐB Vân băn khoăn.

Vị ĐBQH Cà Mau này kiến nghị cần chú ý mặt trái của những mô hình đặc khu, kể cả mô hình thành công như Thẩm Quyến (Trung Quốc).

"Tôi nhấn mạnh là phải chú ý mặt trái của các mô hình, kể cả các mô hình thành công như Thẩm Quyến bứt phá.

Trong đó có mấy yếu tố như phát triển thiếu cân đối, đầu cơ đất đai vì có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, lao động giá rẻ bị bóc lột, bất công xã hội, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề khác", ông Vân chỉ rõ.

Còn theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), điều quan trọng nhất vẫn là ở khâu tuyển chọn, bổ nhiệm trưởng đặc khu.

"Nếu chọn được người có tâm, có tầm thì mô hình này sẽ thành công", ĐB Nguyễn Thái Học nói.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, bên cạnh việc giao trưởng đặc khu nhiều thẩm quyền quan trọng, cần phải có cơ chế giám sát quyền lực.

Từ đó trưởng đặc khu sẽ tự đề cao trách nhiệm cá nhân, đảm bảo tính năng động, sáng tạo trong công tác quản lý nhưng không dẫn đến lạm quyền.

Từ lập luận trên, ĐB Lưu Thành Công đề nghị nghiên cứu tổ chức hội đồng đặc khu, đại diện cho nhân dân. Hội đồng này gồm các thành viên HĐND cấp tỉnh được bầu và Thủ tướng phê chuẩn.

Hội đồng này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng, HĐND cấp tỉnh cùng các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của đặc khu. Hội đồng còn có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dân với các hoạt động của cơ quan Nhà nước, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền hợp pháp của công dân.

Về tiêu chuẩn trưởng đặc khu hành chính hay chủ tịch UBND đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị, ngoài các tiêu chuẩn đã được Đảng, Nhà nước quy định với người có chức vụ tương đương cần bổ sung trình độ ngoại ngữ và tin học.

ĐB Cảnh phân tích, vị trí này phải thường xuyên tiếp xúc với đối tác, nhà đầu tư nước ngoài, thường xuyên giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước có mô hình kinh tế tương tự, do đó nếu thiếu 2 tiêu chuẩn trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ.

Ông cũng kiến nghị mở rộng yêu cầu trình độ ngoại ngữ tin học với vị trí cấp phó và những vị trí cần thiết khác.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại