Chiều 16/11, sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Nhấn mạnh tình trạng vốn trong dân còn lớn và có thể huy động được khi dân có niềm tin, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) dẫn ví dụ về nhà tư sản Trịnh Văn Bô , người đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng cho Nhà nước trong Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động.
"Nếu dân có niềm tin thì tôi cho rằng dân sẽ giúp Nhà nước trong việc huy động vốn, như cụ Trịnh Văn Bô xưa hiến hơn 5.000 lượng vàng. Hiện nay, dự báo có 500 tấn vàng đang nằm trong dân và như này không có lợi có phát triển kinh tế xã hội.
Thống đốc có giải pháp gì hợp lòng dân? Thống đốc có cam kết bảo đảm tiền gửi cho người dân hay không bởi cam kết tạo niềm tin với dân là rất quan trọng", đại biểu Nhường nêu.
ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nêu vấn đề hiện nay ước tính lượng vàng và ngoại tệ trong dân còn rất lớn, nếu huy động được lượng vàng và ngoại tệ này thì sẽ huy động được nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
ĐB Sơn đề nghị Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết quan điểm cũng như giải pháp nào để huy động nguồn vốn do người dân trực tiếp nắm giữ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Công Nhường, và Nguyễn Sơn, Thống đốc Lê Minh Hưng nói giải pháp khả thi nhất là kiên định điều hành kinh tế vĩ mô, tạo được lòng tin người dân và doanh nghiệp vào đồng Việt Nam, trực tiếp đầu tư bằng đồng nội tệ.
Việc này cần lộ trình chuyển hóa phù hợp. Nhiều năm qua, vấn đề vàng điều hành rất thành công, trước đây tốn nhiều ngoại tệ để mua vàng nhưng nay đã hạn chế, chuyển hóa được một phần rất lớn từ vàng cho nền kinh tế.
"Với ngoại tệ dù trần lãi suất 0% nhưng thực tế ngoại tệ đã được chuyển hóa qua đồng Việt Nam để đầu tư. Như vậy nếu kiên định đường lối điều hành kinh tế vĩ mô thì sẽ vẫn bảo đảm nguồn lực", ông Hưng nêu.
Trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân tranh luận về vấn đề nghị quyết đầu tư cao tốc Bắc Nam, cần 118 ngàn tỉ đồng nhưng ngân sách chỉ có 55 ngàn tỉ, dự kiến vay ngân hàng trên 50 ngàn tỉ.
"Một trong những yếu tố tắc nghẽn là nhu cầu vượt quá khả năng cho vay của hệ thống tín dụng. Rất mong thống đốc cho biết thêm về vấn đề cho vay với các dự án BOT?", ông Ngân hỏi.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng nói rủi ro của ngân hàng trong việc cho vay là quan trọng. Không phải là ngân hàng không cho vay với các dự án BOT giao thông mà phải thẩm định, để tìm được các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, quản lý thật chặt quá trình sử dụng vốn.
"Hệ thống ngân hàng vẫn cho vay nhưng với điều kiện là phải an toàn. Phải đảm bảo các dự án BOT có hiệu quả thì sẽ cho vay, vì các dự án BOT có thời gian cho vay rất lâu 15, 20 năm", ông Hưng nói.