Vấn đề thu hồi tài sản hết sức cần thiết
Thảo luận tại Hội trường về tình hình - kinh tế xã hội sáng 30/5, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhiều công trình cấp thiết ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn để đầu tư, thì các vụ án kinh tế tham nhũng gây thất thoát hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị phanh phui thực sự là vấn đề bức xúc.
"Các cá nhân gây ra vấn đề này là tội đồ đáng lên án, đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh nhất. Các hành vi cố ý gây thất thoát hoặc tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng cho dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa đảm bảo tính công bằng cho xã hội.
Bởi với số tiền đó, chúng ta có thể đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, bờ suối, công trình ngăn lũ quét, lũ ống góp phần làm đáng kể thiệt hại các sinh mạng của người dân do thiên tai vừa qua", ông Hận bức xúc nói.
Về giải pháp xử lý, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị, ngoài các chế tài nặng, vấn đề thu hồi tài sản là nội dung hết sức cần thiết và có tính răn đe cao trong phòng chống tham nhũng.
"Cần chống được tư tưởng hy sinh đời bố chỉ ở tù vài chục năm nhưng gia đình, vợ con sống an nhàn sung túc cả đời.
Nếu chúng ta thu hồi được tài sản thất thoát, cùng với sự tù tội của bản thân, sự ô nhục của dòng họ, cộng thêm gia đình phải gánh chịu, khắc phục hậu quả kinh tế do mình gây ra, tôi tin nhiều người sẽ không dám phạm tội”, vị ĐBQH đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nhìn nhận, công tác cơ cấu, sắp xếp đổi mới lại cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn những điểm hạn chế.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang.
Ông nói, qua theo dõi, thấy số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra.
Nam ĐBQH nêu rõ, kỷ luật, kỷ cương trong việc thực thi chính sách pháp luật chưa nghiêm, nhiều cấp, ngành chưa tích cực triển khai nhiệm vụ, tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa doanh nghiệp gây bức xúc trong dư luận là những nguyên nhân chủ quan.
Ngoài ra, yếu tố về nội tại doanh nghiệp và quy định của Nhà nước là những nguyên nhân khách quan còn tồn tại.
"Còn lợi ích nhóm trong cổ phần hoá, thoái vốn, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời", ông nhấn mạnh và dẫn chứng trường hợp sai phạm trong cổ phần hoá tại Cảng Quy Nhơn, quá trính cổ phần hóa Sabeco...
Ông đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch đề ra, thực hiện công khai, minh bạch và khẩn trương. Ngoài ra, cần có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Nhiều sai phạm ở Đà Nẵng vẫn chưa kết thúc thanh tra, điều tra
Còn đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho hay, từ năm 2017 những vụ việc sai phạm trên địa bàn Đà Nẵng bắt đầu diễn ra thanh tra, điều tra, tuy nhiên có nhiều vụ việc vẫn chưa kết thúc, điển hình như vụ Đa Phước, Sơn Trà…
Ông Sơn cho biết, cử tri Đà Nẵng và cả nước rất quan tâm nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
Từ đó dẫn đến dư luận bức xúc, cử tri nhiều lần kiến nghị, cán bộ lo lắng. Một số cán bộ thiếu kiên quyết, giảm sút tính năng động dẫn đến hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ không cao.
"Có cử tri đặt vấn đề với chúng tôi kéo dài thời gian điều tra, thanh tra như thế, các đồng chí có cam kết không để xảy ra khuất tất, tiêu cực, chạy chọt hay không?
Tôi xin chuyển câu hỏi này đến đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ và Viện trưởng VSKND tối cao trả lời", ông Sơn nói thêm.
ĐB nhắc vụ nữ sinh giao gà bị sát hại trên diễn đàn Quốc hội
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nói cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất an khi chỉ trong vài tháng năm 2019, hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan đến ma túy, ngáo đá đã xảy ra.
Ông dẫn lại các vụ án điển hình như vụ cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại, vụ phó phòng ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An, vụ sát hại bà ngoại, bạn gái cùng bà nội, bố đẻ ở Long An và gần đây nhất là vụ con trai ra tay sát hại mẹ cùng những người thân trong gia đình ở TP.HCM.
Bên cạnh đó, ông Hạ nhận định, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, thủ đoạn và hoạt động hết sức tinh vi.
Đại biểu Hạ đề nghị Chính phủ có giải pháp nào căn cơ, hiệu quả hơn và có cam kết trước cử tri về việc đẩy lùi vấn nạn này, đồng thời, kiến nghị Quốc hội cần tổ chức hoạt động giám sát về công tác phòng chống ma túy trong giai đoạn hiện nay.