Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng vào chiều 6/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, theo báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ năm 2017, các vụ tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m2 đất.
Trong đó, đã thu hồi được hơn 329 tỷ đồng và 3.700m2 đất, nhưng theo phân tích của ông Hiển, tỷ lệ thu hồi về tiền như vậy mới được khoảng 22%, về đất khoảng 4,8%...
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển.
Theo dõi việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng lớn, ông Hiển cho rằng, số tiền thu hồi về ngân khố quốc gia còn thất vọng hơn nhiều.
Ông cũng lấy ví dụ trong vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tập đoàn Vinashin từ năm 2012.
Theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Vinashin và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Vinashin số tiền là 989,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7/2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào.
Trong vụ Vinalines, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng và lãi trả chậm, tuy nhiên hiện nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hành Luật Phòng chống tham nhũng thì hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán không thu hồi được.
"Với những số liệu nêu trên thì rõ ràng việc thu hồi tài sản quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia.
Do vậy, theo tôi các cơ quan tiến hành tố tụng thi hành án cần phải coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án", ông Hiển kiến nghị.
Pháp luật còn thiếu
Còn đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, khi xử lý các vụ án tham nhũng, xã hội không chỉ quan tâm đến xử lý người tham nhũng mà còn quan tâm đến việc thu hồi các tài sản tham nhũng.
"Cho dù cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đều khẳng định, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, nhiều vụ việc nghiêm trọng được phát hiện, xử lý. Cùng với đó, khối lượng tài sản tham nhũng chắc chắn không hề nhỏ.
"Báo cáo 10 năm phòng chống tham nhũng cũng đã nêu rõ, thiệt hại do tham nhũng được phát hiện hơn 59.000 tỷ đồng, hơn 400ha đất, nhưng mới thu được 7.82% về tiền và tài sản, 54.75% về đất. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng những chưa đạt yêu cầu, cụ thể năm 2016 mới đạt 38,3%", bà Hoa thông tin.
Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng này, nhưng bà Hoa cho rằng, ở đa số các vụ tham nhũng thì những người liên quan đều là người có chức vụ, học thức, trình độ nhất định, vì vậy, việc phạm tội đều được chuẩn bị kỹ càng, tinh vi và tài sản được che giấu kỹ lưỡng,
Trong nhiều trường hợp khối tài sản tham nhũng được ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán, hợp pháp hóa, thậm chí sử dụng phần lớn tài sản chiếm được tiêu xài hoang phí nên khi phát hiện không còn có khả năng thu hồi được....
Bên cạnh đó, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế như kê khai tài sản mới chỉ chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, chưa có quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác minh tài sản một cách chủ động, chưa có quy định công khai việc kê khai tài sản để người dân giám sát...