ĐB Trương Trọng Nghĩa: Công chức lương thấp nhưng vẫn "đua nhau bổ nhiệm người thân"

Hoàng Đan |

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, làm công chức ngay ngắn, đúng chế độ không thể giàu được nhưng người ta vẫn đua nhau vào, bổ nhiệm người thân, chứng tỏ có tham nhũng tiềm ẩn.

Làm công chức ngay ngắn không giàu nhưng vẫn đua nhau vào

Bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thực chất việc lạm dụng quyền lực để đưa người thân vào trong bộ máy lãnh đạo nhằm tạo thành mối quan hệ gia đình đan xen vào mối quan hệ công việc là biến tướng của tham nhũng.

"Điều này thể hiện các vị trí cán bộ công chức và công việc của công chức trong bộ máy công quyền hiện nay đẻ ra nguồn lợi, quyền lợi.

Làm công chức với đồng lương đúng chính sách chế độ như hiện nay nếu làm đúng rất vất vả, lợi về tính ổn định lợi, về tinh thần nhiều hơn, không thể giàu được. Vậy mà người ta vẫn cứ đua nhau vào và bổ nhiệm người thân vào, chứng tỏ tham nhũng tiềm ẩn trong đấy.

Vào đấy để cùng nhau tham nhũng và che chắn cho nhau, đó chính là cái báo động rất lớn của tình hình phòng chống tham nhũng hiện nay", ông Nghĩa nói.

PV: Trong báo cáo thẩm tra về phòng chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp có ý kiến nên cấm bổ nhiệm những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương vì dễ dẫn đến câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu. Ý kiến của ông về giải pháp này như thế nào?

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, muốn đưa ra giải pháp hợp lý và có khoa học thì phải có nghiên cứu cẩn thận. Chúng ta cũng cần tham khảo thêm quy định của các nước để nghiên cứu áp dụng. Nếu chỉ đưa ra một giải pháp đơn giản có thể đáp ứng một tình thế nào đó nhưng không giải quyết rốt ráo được vần đề.

Ở đây không loại trừ có những trường hợp ngẫu nhiên anh em cùng làm một cơ quan, vợ chồng cùng làm trong một Sở hay một Bộ. Chúng ta muốn đề phòng hậu quả thì phải xử lý quan hệ đó và có một số nơi đã xử lý bằng cách điều vợ hoặc chồng, anh, em đi làm nơi khác nếu họ làm cùng một cơ quan.

Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức Đảng ở một số cấp, địa phương chưa làm được việc này. Do đó, chúng ta phải đưa vào pháp luật nhưng phải có nghiên cứu sâu, hợp lý, khoa học giải quyết rốt ráo vấn đề.

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Công chức lương thấp nhưng vẫn đua nhau bổ nhiệm người thân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo.

PV: Vậy còn việc người trong dòng họ bổ nhiệm lẫn nhau thì có nên cấm không thưa ông?

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, những gì dính đến chuyện người thân bổ nhiệm lẫn nhau thì phải có quy định để xử lý.

Nhưng chúng ta cũng phải xử lý trường hợp khách quan, ví dụ như một ông Bộ trưởng có con thích ngành nghề của bố và có năng lực thì bố làm Bộ trưởng, con về làm việc 5, 7 năm lên vụ phó và đến lúc nào đó xứng đáng cương vị Thứ trưởng.

Vấn đề diễn tiến như vậy đầu tiên là bình thường nhưng cũng có thể dẫn đến chuyện bố bổ nhiệm con. Ở đây, về mặt công tác Đảng cần có giải pháp cho chuyện này và như tôi đã nói ở trên cần nghiên cứu căn cơ thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước để không cực đoan.

Rõ ràng để một cơ chế bố ký giấy bổ nhiệm con cho dù là khách quan hợp lý đi nữa thì cũng là điều nên tránh.

"Thượng bất chính hạ tắc loạn"

PV: Có một thực tế được đặt ra đó là, việc xử lý người đứng đầu mỗi cơ quan chưa tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện trong thời gian qua, ông có bình luận gì về vấn đề này?

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, Nghị quyết Đảng, Luật Phòng chống tham nhũng xác định xử lý trách nhiệm người đứng đầu là hết sức đúng. Nhưng việc  thực hiện còn kém và theo tôi, nếu thực hiện được theo nguyên tắc, quy định đó sẽ là một trong những bước đột phá ở phòng chống tham nhũng.

Anh là người lãnh đạo mà để cơ quan anh có tham nhũng thì trước hết anh từ chức, hoặc bắt anh phải từ chức. Còn việc cá nhân anh có tham nhũng không, có bao che không, thì tính sau.

Thực tế, nhiều nước đã làm việc này, ví dụ, anh làm Bộ trưởng như Bộ Giao thông mà để xảy ra những tai nạn quá lớn thì trước hết trách nhiệm chung với lĩnh vực, anh phải từ chức.

Nếu xử lý người đứng đầu theo phương thức đó thì sẽ có tác động rất lớn đối với việc phòng chống tham nhũng nói riêng và nhiều lĩnh vực khác sẽ chuyển biến.

Có một chân lý "thượng bất chính, hạ tắc loạn" còn là một châm ngôn trong kiểm soát quyền lực, là chân lý ngàn đời này luôn luôn đúng.

Trên ngay ngắn chặt chẽ, nghiêm khắc 100% thì ở dưới sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, hành vi trái pháp luật sẽ giảm rất nhiều. Còn ở trên, nghiêm túc ngay ngắn 10 phần mà làm chỉ được 5 phần thôi, không chặt chẽ, thiếu nghiêm túc chỉ 1 ly thôi thì ở dưới sẽ đi 1 dặm.

Chúng ta xử lý người đứng đầu chính là áp dụng nguyên tắc này. Nhưng vừa rồi việc xử lý chưa chặt chẽ, chưa nghiêm túc. Có thể nói, nhân dân nhìn vào thấy chúng ta chưa làm được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại