Có vấn đề về mặt quản lý
Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã "cập nhật, bổ sung" danh sách 324 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó phần lớn là các ca khúc nhạc đỏ rất quen thuộc với công chúng.
Trong danh sách 324 bài hát được phổ biến rộng rãi này có ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca của Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Thông tin này đang gây nên nhiều luồng tranh luận trái chiều và thậm chí, các khán giả yêu nhạc cho rằng, đây là chuyện 'cười ra nước mắt'.
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, khi nghe thông tin này ông cảm thấy ngạc nhiên và hơi bất ngờ.
Theo ông Thắng, việc cơ quan quản lý thực hiện giải pháp nghiệp vụ là việc bình thường, nhưng khi Cục cho phổ biến 300 bài hát, nhiều bài là của tác giả cách mạng, được hát mấy chục năm nay thì rõ ràng có vấn đề về mặt quản lý.
"Ví dụ Tiến quân ca không còn là bài hát thông thường, mà thành tài sản của đất nước, của dân tộc, được khẳng định trong Hiến pháp là đạo luật quan trọng nhất rồi thì có cần cơ quan cấp Cục phổ biến bài hát như vậy không?
Bài hát được sử dụng trong các hoạt động mang tính nghi lễ, từ Đại hội đến chào cờ, quan trọng nhất được ghi nhận trong Hiến pháp, được gia đình nhạc sĩ có nghĩa cử hiến tài sản đó cho tài sản quốc gia thì liệu cần cấp phép nữa không?
Vừa rồi kỷ niệm 30/4, bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", là tiếng reo vui sau bao năm chia cắt, gắn với hình ành vị lãnh tụ của chúng ta giờ mới được phép lưu hành, đặt ngược lại cả dân tộc hát mấy chục năm vừa qua là hát chui?
Liệu ngành quản lý nghệ thuật biểu diễn có cần quan tâm đến tất cả bài hát hay không khi điều kiện hạn chế, liệu có cần rà soát lại tất cả hay không?
Những tác giả cách mạng, bản thân họ được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho những cụm công trình, trong đó có những bài hát đó thì có cần được cấp phép hay là mặc nhiên để dành thời gian rà soát lại những bài hát khác.
Khi cơ quan quản lý ban hành quyết định thì phải cân nhắc đến hiệu quả, khía cạnh nào đó là hậu quả vì nó liên quan đến văn hoá, nhân văn, thậm chí về mặt chính trị. Những bài hát như thế sao lại đặt vấn đề phổ biến", ông Thắng nói.
Thưa ông, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có chỉ đạo các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép. Ông đánh giá như thế nào về chỉ đạo này?
Ở đây có hai câu chuyện. Một là về chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý, được quy định trong quy chế hoạt động của các Bộ.
Nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tác nghiệp của Cục Nghệ thuật biểu diễn, và tiếp cận vấn đề theo góc độ như chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Có những bài hát như "Tiến quân ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" và có những tác giả mặc nhiên được công nhận.
Các cụm công trình của họ được giải thưởng là hội đồng thẩm định cấp quốc gia có uy tín và chặt chẽ hơn nhiều so với việc thẩm định một cách hành chính của Cục nghệ thuật biểu diễn.
Cái cần quan tâm là tác nghiệp của Cục trong chức năng nhiệm vụ và nguồn lực có hạn thì xử lý như thế nào cho nó phù hợp, vào việc xác định cần tập trung.
Cần kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan
Theo ông, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần phải có những ứng xử sòng phẳng?
Công bố đi bằng hình thức thế nào thì xin lỗi cũng phải bằng hình thức như thế, tôi còn cho rằng cần có hình thức phù hợp hơn vì đây là một sai phạm ảnh hưởng đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa xã hội hiện nay.
Cho nên cần có công bố rõ ràng, cũng như kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Nếu là sai phạm của cá nhân, do năng lực trình độ, trách nhiệm thì phải có xử lý phù hợp thì phải công bố rộng rãi với nhân dân, cử tri.
Người phát ngôn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giải thích, việc cập nhật hơn 300 bài hát là để "số hóa" tạo thành kho dữ liệu, giúp cho tất cả giúp cho tất cả các đơn vị tổ chức sự kiện, nghệ sĩ, nhà tổ chức biết, khai thác thông tin sử dụng khi cần thiết. Ông có đồng ý với giải thích này?
Tôi cho rằng chưa thuyết phục. Bởi số hóa thì không phải chỉ 300 bài hát mà kho tàng bài hát rất là nhiều. Và việc số hóa là kỹ thuật bên trong, đơn thuần là chuyển từ hình thức lưu trữ này sang hình thức lưu trữ khác thì không phải công bố với dư luận.
Nghĩa là từ kho dữ liệu lưu trữ băng đĩa của chúng ta bao nhiêu năm nay thì cơ quan chuyên môn không phải cơ quan quản lý đổi hình thức lưu trữ từ lưu trữ từ năng đĩa sang bài hát bằng số. Và tung kho dữ liệu đó lên mạng để mọi người có thể truy cập chứ hoàn toàn không phải bằng quyết định.
Có quyết định thì người ta hiểu rằng muốn được hát, muốn được phổ biến thì phải xin phép cơ quan quản lý theo trình tự thủ tục nhất định nào đầy khiến dư luận bức xúc vì như bài Tiến quân ca là quốc ca?
Đúng vậy!. Ngoài câu chuyện mà chúng ta trao đổi thì có một góc độ, đó là, khi công bố như vậy thì người tác có cảm giác là để thể hiện của cơ quan quản lý, khi sử dụng phải xin phép, liên quan đến xin - cho, cấp phép, xin phép, một dạng giấy phép con.
Dù hiểu theo góc độ nào thì cũng rất khó chấp nhận.