"Ai lên kế hoạch tham nhũng thì nên dừng lại ngay"
Sáng 15/6, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã có phát biểu làm "xôn xao" nghị trường tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đề cập vấn đề cải cách tư pháp và cho hay, bản thân là một trong những người làm công tác pháp luật mấy chục năm nay, từng tham mưu cho công tác cải cách tư pháp.
Ông Nhưỡng cho biết, những ngày qua ông nhận được nhiều tin nhắn của cử tri, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu nói "chưa từng bao giờ thấy niềm tin cho nền tư pháp Việt Nam thấp như lúc này".
Dẫn chiếu đến vụ án Hồ Duy Hải đang gây tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ, ông thức cả đêm để xem từng bản ảnh của vụ án và phát hiện rất nhiều vấn đề sai sót về tố tụng, thấy cần lên tiếng.
Ông khuyến cáo "đừng đổ lỗi cho các đại biểu Quốc hội đi làm rối vấn đề, sự việc và cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa với công tác tư pháp". Đề nghị có chuyên đề riêng về giải quyết các vụ án nghiêm trọng trong tư pháp.
Giơ biển tranh luận, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền (ĐBQH đoàn Cần Thơ) nói, ông rất đồng tình với ý kiến của một số ĐB phát biểu khi đề cập về cái sai của một số cơ quan kể cả cơ quan tư pháp, vì nếu có sai thì nên tính toán để sửa.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, không nên đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp thời gian gần đây là "tệ hại".
"Hoạt động tư pháp thời gian qua tuy có cái sai, có việc làm chưa tốt, nhưng trong mấy chục năm thực hiện cải cách tư pháp đến bây giờ tôi khẳng định có thành tựu góp phần ổn định trật tự xã hội", ông Quyền phát biểu và nhấn mạnh, "nếu chỉ có một vài vụ việc để đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế thì không nên".
Theo ông Quyền, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là làm sao để các cơ quan tư pháp cùng nhau sửa sai, những tồn tại, khuyết điểm để hoạt động tư pháp tốt hơn, tránh oan sai cho người dân.
Cần cơ chế thông tin chính thức cho ĐBQH một cách chính thống
Tranh luận với ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về ý "chưa bao giờ uy tín của ngành tư pháp xuống thấp như bây giờ", ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) nói, ĐB Nhưỡng cho biết là nhận định mà ĐB nhận được từ ý kiến của một số cá nhân qua điện thoại.
"Nếu phát biểu của ĐBQH nhận định qua tiếp nhận thông tin qua điện thoại thì có được coi là có cơ sở hay không? Nhận định này tôi cho rằng là nhận định phủ định sạch trơn nền tư pháp.
Tôi cũng nhận được ý kiến của một số phóng viên hỏi tôi ý kiến về vụ án này vụ án khác mà tôi nói xin lỗi vì không được nghiên cứu hồ sơ, theo dõi vụ việc đến đầu đến cuối và cũng không được cung cấp tài liệu chính thống của ngành nên tôi không thể phát biểu được", ông Cương nêu.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương.
Từ đó, ông Cương cho rằng, cần phải cơ chế thông tin đến các ĐBQH một cách chính thống để khi thảo luận đưa ra nhận định chính xác.
"Tôi đồng ý với ý kiến của ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu hôm trước. Sau đó, ĐB Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) có ý kiến để thanh minh, bảo vệ ngành nhưng vô tình xúc phạm đến ĐBQH khác là không nên, tôi nghĩ là chưa đúng", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại kết thúc tranh luận.
Bấm nút tranh luận lại ngay sau đó, đại biểu Nhưỡng đồng tình với ý kiến cần có cơ chế cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội.
"Tôi biết còn nhiều việc chặn thông tin đến đại biểu, trong đó có cá nhân tôi", ông Nhưỡng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sau đó lưu ý, không có chủ trương nào "chặn thông tin đến đại biểu Quốc hội cả và nếu có ĐBQH cung cấp cho Đoàn Chủ tịch biết".