Sáng nay (30/10), trước khi phát biểu ở Quốc hội về kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã gửi lời chia buồn tới những gia đình các nạn nhân của nạn buôn người tại Anh và mong rằng các gia đình không nên tin tưởng, trao số phận và tiền bạc cho bọn buôn người tàn bạo như vậy.
Về nội dung phát biểu, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, ông bày tỏ rất băn khoăn nội dung về đạo đức cán bộ và đạo đức xã hội.
Ông nói, bên cạnh màu hồng của nền kinh tế- xã hội còn "bao quầng đen nhuốm phủ".
Nam đại biểu nêu cụ thể: Tình trạng xâm hại tình dục không từ già, không từ trẻ; Tình trạng ném lợn chết dịch xuống sông ở đầu nguồn, không cần biết đến người ở cuối nguồn; Tình trạng đổ dầu thải đầu độc nguồn nước ảnh hưởng đến hàng vạn dân Thủ đô; Việc thu hồi đất của dân bất chấp biện pháp, dùng lực lượng mạnh khi chưa có sự phê duyệt quy hoạch, chưa tái định cư, chưa hỗ trợ giải phóng mặt bằng; Thậm chí nhiều trường hợp để cỏ mọc hàng chục năm, để hàng trăm hộ dân bơ vơ; Việc rút ruột công trình, lập quỹ đen, sử dụng xe công bừa bãi.
"Hàng trăm cán bộ vướng vào gian lận điểm thi, chỉ muốn con em mình, gia đình mình ở "đẳng cấp trên", đã loại trừ hàng trăm người ra khỏi cơ hội của cuộc đời. Tình trạng làm điêu báo cáo hay, tô rồng, vẽ phượng còn rất nhiều.
Hàng ngàn kẻ giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt BHYT, BHXH, thực hiện chính sách người có công rồi lập hồ sơ liệt sỹ giả, thương binh giả, da cam giả, anh hùng giả, bằng cấp giả, thương hiệu giả, sư giả, thuốc giả… Rất nhiều thứ đều là giả", ông Nhưỡng nêu.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, bên ngoài đó là sự vi phạm pháp luật, nhưng bên trong đúng như báo cáo của Chính phủ chính là sự vi phạm đạo đức.
"Tôi không dám võ đoán, nhưng tin rằng các ông tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng.
Cõ lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn khuất trong cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng và tạo ra tình trạng mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.
Đây chính là căn bệnh ung thư di căn về nhân cách cần dứt khoát phải loại bỏ ra khỏi xã hội theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước.
Nhưng chúng ta không thể loại bỏ bằng các biện pháp thông thường. Tôi nghĩ các giải pháp "phát huy, tăng cường, bảo đảm, kiên trì…" như hiện nay là không ăn thua.
Chúng ta cần thái độ quyết liệt và thực tế hơn, phải cương quyết cắt bỏ mọi hạch căn đó ra khỏi cơ thể của Đảng, Nhà nước", ông Nhưỡng nêu rõ.
Nam đại biểu Quốc hội cho biết thêm, cử tri rất bức xúc vì có tình trạng "khoan hồng, giơ cao đánh khẽ" với cán bộ sai phạm nghiêm trọng thời gian qua và cách xử lý như kiểu "tặng quà cho cán bộ sai phạm" đã tạo ra sự bất công.
"Cũng chính vì thế mà không buộc người xấu phải sám hối, tu thân sửa mình, ngược lại họ sẵn sàng hy sinh đời bố, củng cố đời con", ông Nhưỡng nói thêm và đề nghị Quốc hội thể hiện mạnh mẽ vai trò giám sát quyền lực để đồng hành cùng Chính phủ và cơ quan tư pháp.