Càng "con ông, cháu cha" càng cần thi tuyển
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đoàn Cà Mau) đã có những chia sẻ khá thẳng thắn về công tác, chất lượng của một bộ phận cán bộ hiện nay ở nước ta.
Ông Vân đã bày tỏ sự lo lắng của mình về chất lượng, trí tuệ, năng lực của một bộ phận cán bộ hiện nay được thể hiện rõ qua việc tham mưu chính sách, ý thức phục vụ công dân, ý thức kỷ luật không tốt.
"Có lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng đã nói ước lệ là khoảng 30% cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về và có người nói có khi còn hơn. Rõ ràng, chất lượng cán bộ, rất là có vấn đề", đại biểu Vân nói.
Đi sâu hơn nữa, theo ông Vân, chính là công tác bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ làm lãnh đạo khi vừa qua, dưa luận, báo chí đã phản ánh cho thấy, một số nơi đã đi sai hướng.
"Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo là phải chọn người tài nhưng ở một số nơi lại có khuynh hướng chọn người nhà.
Tôi cho rằng, việc chọn người nhà, nếu như có cơ chế minh bạch, chọn qua thi cử một cách khách quan thì không loại trừ người nhà đó là xuất sắc thật.
Nhưng vì chưa có cơ chế nên việc bổ nhiệm người nhà theo đánh giá của quần chúng là phần lớn không chất lượng mà là do nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba đồ đệ, bốn quan hệ.
Việc này chính Tổng Bí thư cũng đã nói từ lâu và rất đáng báo động...", ông Vân nêu rõ.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV.
Ông nhắc lại cụm từ "cả họ làm quan" đã được dư luận, báo chí phản ánh trong thời gian qua và cho rằng, nếu rà hết các địa phương "thì không phải là hiếm".
"Vì thế, tôi đề nghị Chính phủ phải rà soát lại toàn bộ từ trước đến nay, tất cả các chức danh từ phó phòng trở len thì ai là con ông, cháu cha phải được rà lại và cần có cơ chế, thi tuyển, sàng lọc.
Càng là con ông, cháu cha thì càng cần phải chứng minh mình xứng đáng, do tài năng, không lợi dụng vị trí của cha, ông, anh, chị bằng việc thi tuyển hết sức nghiêm ngặt.
Từ cơ chế thi tuyển, sàng lọc lại này cũng để trả lời cho công luận biết, bao nhiêu người trong số đó xứng đáng là người giữ chức vụ còn bao nhiêu là không xứng đáng.
Với số không xứng đáng đó, bắt nguồn từ đâu? Theo tôi, ở đây, rõ ràng có sự lạm dụng, tha hóa, tham ô quyền lực và pháp luật phải trừng trị nó nghiêm khắc, không khác gì tội tham nhũng", ông đề nghị.
Ai đang chễm chệ ngồi ghế quyền lực mà không xứng đáng cần nhường chỗ...
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Lê Thanh Vân cũng cho biết thêm, chính vì đứng trước sự lo ngại, quan ngại về công tác cán bộ đó mà Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về chỉnh đốn Đảng.
Trong đó, nội dung cụ thể là về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
"Ở đây, gốc của cán bộ là cái đức nhưng hạnh kiểm của anh không tốt, không có lòng tự trọng thì sẽ dẫn đến chuyện chạy chức, chạy quyền.
Người ta đưa vào anh một vị trí dù không có năng lực nhưng do không có lòng tự trọng, liêm sỉ nên anh vẫn ngạo nghễ ngồi trên đó để lộng hành.
Người có liêm sỉ thì có quyền chức hay không đều nhẹ như không, đặc biệt với người tài có lòng tự trọng thì ngày xưa còn phải vời đến bằng chiếu cầu hiền mới xuất lộ chứ không có chuyện bệ đợ, kéo lên hay dùng quan hệ quyền lực, tiền bạc để chi phối, mua chuộc...", ông Vân chỉ rõ.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cũng bày tỏ, 4 nhóm giải pháp được Nghị quyết Trung ương 4 đưa ra để chỉnh đốn Đảng, cụ thể là công tác cán bộ là rất xác đáng.
"Có thể nói căn bệnh của cán bộ đã được Nghị quyết Trung ương 4 bắt rất trúng, thuốc cũng đã kê đơn rồi còn lại là ai uống và uống như thế nào.
Theo tôi, ở đây, khi phát hiện ra người nào phải uống thuốc thì không phải để cho họ tự giác nữa mà cần buộc họ phải uống thuốc, cưỡng bức phải uống, đó là trách nhiệm của các cơ quan kỷ luật của Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước.
Ai mà đang chễm chệ ngồi trên ghế quyền lực mà thấy mình không xứng đáng thì cần tự giác nhường chỗ cho người hiền tài còn nếu không nhường thì phải sử dụng công cụ pháp luật để cho thấy rõ người ta không xứng đáng về tư tưởng, hạnh kiểm.
Sau đó, phải dùng biện pháp mạnh mẽ hoặc là cách chức, sa thải, đuổi việc...", đại biểu Vân nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng khẳng định, trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 tới đây, nếu như có cơ hội, ông sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về những giải pháp thực hiện 4 nhóm giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết Trung ương 4.
Cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ quy định như thế nào bằng các quy định pháp luật để thể chế hóa 4 nhóm giải pháp đó khiến cho tình hình tự diễn biến, tự chuyển hóa phải bị chặn đứng, khắc phục.