Mối quan hệ ngoại giao giữa NATO và Nga đang ở trong thời điểm “tiến thoái lưỡng nan”: Đức và một số đồng minh khác muốn tăng cường đối thoại Đông – Tây, trong khi Mỹ và nhiều nước khác lại không ủng hộ ý tưởng này.
Khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) bắt đầu triển khai quân nhằm “gia cố” các biên giới của Châu Âu với Nga. NATO dừng quan hệ hợp tác với Moscow, cụ thể là (mặc dù không chính thức) hủy tất cả các cuộc gặp mặt ngoại giao giữa hai bên trong khoảng một năm.
Tháng 5/2016, tổ chức này mới chấp nhận yêu cầu của một số nước thành viên được khôi phục quan hệ ngoại giao cấp cao, và tái khởi động các cuộc gặp gỡ cấp đại sứ của Hội đồng NATO – Nga.
Cuộc tranh cãi bên trong NATO xoay quanh việc các cuộc hội đàm với Nga sẽ được tiến hành như thế nào và ở mức độ ra sao. Đây được coi là một trong những yếu tố then chốt cho một vấn đề có quy mô lớn hơn, đó là làm sao để bảo vệ khối liên minh.
Đối với các nhà chiến lược quân sự, hiện đang tồn tại một số câu hỏi quan trọng hơn nhiều so với việc một tổ chức quốc phòng sẽ ngăn chặn hay thúc đẩy chiến tranh. Các nhà sử học lại cho rằng, thời điểm khi mà sự ngăn chặn thất bại và chiến tranh nổ ra – sẽ xảy đến khi các động thái quân sự không còn đi kèm với hoạt động ngoại giao ở cường độ cao.
Ý kiến trái chiều xung quanh tái khởi động đối thoại Nga - NATO
Một số quan chức phương Tây nhận định, các quan hệ ngoại giao hiện tại đang trợ giúp cho các lực lượng ngăn chặn [xung đột] của NATO tại Đông Âu. Tuy nhiên, những người khác lại tỏ ra nghi ngờ tác dụng của các cuộc đối thoại, và liệu hai bên có thực sự đang lắng nghe lẫn nhau hay không.
Đặc phái viên của Nga tại NATO Alexander Grushko cho biết, ông sẽ không lên tiếng về chất lượng của các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội đồng NATO – Nga. “Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, kết quả cụ thể chỉ có thể đạt được thông qua việc khôi phục lại một cuộc đối thoại bình thường”, ông Grushko nói.
Những cuộc gặp gỡ của Hội đồng NATO – Nga trong 20 tháng qua đã đề cập nhiều chủ đề quan trọng như các hoạt động tập trận và các vụ đụng độ trên vùng không phận Biển Baltic. Tuy nhiên, một số quan chức tiết lộ, các hội nghị thường xuyên xảy ra tình trạng một bên thuyết giảng [cho bên kia] về các vấn đề khác nhau, bao gồm Ukraine và Afghanistan.
Trong khi đó, Nga đã đề xuất tái khởi động các nhóm làm việc quân sự, nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật, như an toàn trên không và diễn tập phòng thủ…
Theo ông Grushko, giới chức NATO đã đề cập đến mong muốn một cuộc thảo luận rộng hơn với Nga, về các hoạt động quân sự, và hai bên cùng làm việc để ngăn chặn các rủi ro tiềm tàng.
Phát ngôn viên của NATO, Oana Lungescu tuyên bố, các đồng minh vẫn chưa nhìn thấy sự thay đổi trong lập trường công kích của Nga đối với các nước láng giềng, trong đó đáng chú ý nhất là Ukraine. Điều này, không nghi ngờ gì, ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng cường gặp gỡ giữa hai bên.
Theo bà Lungescu, việc quay trở lại các cuộc thảo luận cấp chuyên gia có thể “làm mờ các ranh giới”. NATO sẽ “làm rõ, mọi thứ sẽ không trở lại bình thường nếu Nga vẫn giữ nguyên cách hành xử hiện tại,” bà khẳng định.
Trong khi đó, không ít người lo ngại rằng, khả năng trên có thể sẽ khiến quyết định sáp nhập Crimea của Nga trở nên hợp pháp, bất chấp việc Nga gần như chắc chắn sẽ không thay đổi thái độ, ít nhất là dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Đại sứ Đức tại NATO Hans-Dieter Lucas mới đây tuyên bố, NATO “vẫn cởi mở với khả năng đối thoại” và những cuộc gặp gỡ gần đây đã cho phép hai bên “trao đổi cách nhìn về những vấn đề khó khăn và tranh cãi một cách thẳng thắn”.
Nhiều tháng qua, Đức là nước ủng hộ mạnh nhất cho những nỗ lực ngoại giao với Moscow. Các nhà ngoại giao nước này tin tưởng, các cuộc nói chuyện cường độ cao có thể dẫn tới các tiến triển chính trị và làm giảm căng thẳng. Tuy nhiên, các đồng minh phía Đông lại tỏ ra thận trọng hơn và nghi ngại rằng, giới ngoại giao không có đủ năng lực để tạo ra tiến triển hoặc Moscow chưa thực sự muốn tháo ngòi bất đồng.
Tại một cuộc gặp gỡ với các Ngoại trưởng NATO trong tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chỉ ra, Washington không muốn các cuộc gặp thông thường với Nga chỉ có lời nói qua lại. Thay vào đó, Mỹ ủng hộ “một đối thoại với kết quả như kỳ vọng”.
Tờ Wall Street Journal đánh giá, khả năng đối thoại giữa hai bên đang càng trở nên phức tạp hơn sau quyết định mới nhất của Mỹ về cung cấp vũ khí sát thương, bao gồm cả tên lửa chống tăng, cho quân đội Ukraine. Một số đồng minh, như Canada và Lithuania đã bày tỏ sự ủng hộ với động thái này. Các nước khác, trong đó có Đức, lại không giấu giếm nỗi nghi ngờ. Trong khi đó, Nga phản ứng bằng cách cáo buộc Mỹ đang châm ngòi một cuộc chiến tại Ukraine.
Người dân tại đông Ukraine đang sửa chữa lại nhà cửa sau một vụ đụng độ bạo lực |
Ngoại giao vẫn là một biện pháp quan trọng và cần thiết
Giới sử gia nhận xét, trong một số trường hợp, trao đổi có thể giúp làm giảm hiểu lầm và xây dựng niềm tin.
“Các nhà ngoại giao đang ở trong những tình huống được nhìn nhận là lãng phí thời gian, và điều này rất nguy hiểm,” Margaret MacMillan, một nhà sử học về Thế chiến Thứ nhất nói. “Ngoại giao là một biện pháp quan trọng – các nỗ lực liên tục để liên lạc với nhau là rất cần thiết”.
Kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea, NATO đã thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh, đưa quân đến các khu vực biên giới với Nga, và mở rộng diễn tập quân sự. Niềm tin giữa Moscow và Brussels, Moscow và Washington đang bị xói mòn nghiêm trọng. Các thỏa thuận kiểm soát vũ trang đã bắt đầu bị rạn nứt, thay vì được củng cố.
Theo bà McMillan, trước khi Thế chiến Thứ hai bắt đầu, chính các biện pháp quân sự được sử dụng để giữ gìn hòa bình, lại châm ngòi cho xung đột. “Khi các quốc gia không tin tưởng nhau, vấn đề luôn xảy ra,” bà nói. “Những gì mà bạn cho rằng mang tính phòng thủ, dưới mắt người khác, lại là sự đe dọa”.