Đẩy Qatar vào chân tường bằng 13 đòi hỏi, vùng Vịnh có thể phải đối đầu với một liên minh mới

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Không loại trừ khả năng bị đẩy vào chân tường, Qatar buộc phải chia tay với GCC, liên minh với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ mình.

Ngày 22/6/2017, sau 18 ngày cắt đứt mọi quan hệ với Qatar, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập thông qua Kuwait đã trao cho Qatar một danh sách gồm 13 đòi hỏi và đưa ra thời hạn trong vòng 10 ngày phải đáp ng, coi đây là các điều kiện Qatar phải thực hiện để nối lại quan hệ.

Đẩy Qatar vào chân tường bằng 13 đòi hỏi, vùng Vịnh có thể phải đối đầu với một liên minh mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nhà nước về đối ngoại của Emirates Anwar Gargash

Trong danh sách này, ngoài yêu cầu Qatar phải chấm dứt ủng hộ các tổ chức khủng bố còn có đòi hỏi về chính trị phải hạ thấp quan hệ ngoại giao với Iran, về quân sự phải đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và về thông tin phải đóng cửa kênh truyền thông Al-Jazeera.

Ngày 23/6, Bộ trưởng Nhà nước về đối ngoại của UAE, tiến sỹ Anwar Gargash đã cảnh báo Qatar phải nghiêm túc thực hiện các điều kiện trên nếu không muốn cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh dẫn đến đoạn tuyệt quan hệ với Doha.

Cùng ngày, Đại sứ UAE tại Washington Yousif Al-Ateba cũng nói rằng, các biện pháp trừng phạt Qatar sẽ giữ nguyên nếu Doha không chịu thực hiện các yêu cầu trên.

13 đòi hỏi có thực tế và hợp lý?

Trước đây, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đã đề nghị Ả rập Xê út, UAE, Bahrain và Ai cập đưa ra các đòi hỏi "hợp lý và có thể thực hiện được" cho Qatar để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson cũng khẳng định các đòi hỏi các nước bao vây cấm vận đưa ra đối với Qatar phải mang tính "thực tế và cân bằng".

Ngay sau khi 13 đòi hỏi chuyển cho Qatar được tiết lộ, dư luận nhiều nước, đặc biệt là các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng, những đòi hỏi này là không thực tế, không phù hợp với các thông lệ và luật pháp quốc tế và ở một mức độ nào đó vi phạm độc lập, chủ quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Qatar.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không có ý định xem xét lại Hiệp định đã ký với Qatar về việc thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Qatar và coi bất cứ ai đòi đóng cửa căn cứ này là can thiệp vào quan hệ giữa Ankara và Doha.

Kênh thông tin Al-Jazeera đã kịch liệt bác bỏ đòi hỏi đóng cửa cơ quan này, coi đó là vì phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và bày tỏ quan điểm.

Đẩy Qatar vào chân tường bằng 13 đòi hỏi, vùng Vịnh có thể phải đối đầu với một liên minh mới - Ảnh 2.

Đóng cửa hãng thông tấn Al Jazeera là một trong những yêu cầu trong danh sách mà 4 nước Ả rập đưa ra với Qatar.

Trước đây, ngay sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh ngày 5/6/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed Bin Abdul Rahman Al Thani đã cho rằng những lời cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố là hoàn toàn không có cơ sở, Qatar chưa bao giờ ủng hộ mặt trận Al-Nousra ở Sirya hoặc bất cứ tổ chức khủng bố nào khác.

Ông nêu rõ rằng Qatar đang đóng vai trò rất lớn và tích cực trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Những cáo buộc chống Qatar hoàn toàn không có bằng chứng cụ thể.

Ông khẳng định Qatar không bao giờ chấp nhận "những lời dạy bảo" từ bên ngoài. Đường lối đối ngoại của Qatar, tương lai của kênh thông tin Al-Jazeera.... là việc không thể đem ra bàn cãi. Qatar không chấp nhận đầu hàng.

Bộ ngoại giao Qatar cho biết sẽ trả lời chính thức đối với 13 đòi hỏi của bốn nước Ả rập nêu trên. Tuy nhiên, qua phân tích và những phản ứng ban đầu của dư luận xã hội bên trong Qatar và các bên liên quan, qua các tuyên bố ban đầu của chính giới Qatar có thể thấy rất khó có khả năng Doha đáp ứng được các đòi hỏi này

Qatar chia tay GCC, liên minh với Iran - Thổ Nhĩ Kỳ?

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang diễn biến hết sức phức tạp.

Qatar đang bị sức ép cực kỳ to lớn về mọi mặt. Các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC, các nước Ả rập đang bị chia rẽ chưa từng có từ trước tới nay. Chưa bao giờ tình hình khu vực Trung Đông nói chung và vùng Vịnh nói riêng lại rối ren như hiện nay.

Đẩy Qatar vào chân tường bằng 13 đòi hỏi, vùng Vịnh có thể phải đối đầu với một liên minh mới - Ảnh 3.

Việc Qatar bác bỏ các yêu sách của Ả rập Xê út, UAE, Bahrain và Ai Cập chắc chắn sẽ đẩy khu vực vào một giai đoạn phức tạp hơn. Không loại trừ khả năng bị đẩy vào chân tường, Qatar buộc phải chia tay với GCC, liên minh với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ mình.

Như vậy, các nước vùng Vịnh sẽ phải bước vào đối đầu với một liên minh mới. Trong tình hình như vậy, Qatar cũng không thể sống yên ổn bên ngoài khuôn khổ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. An ninh và ổn định khu vực sẽ đứng trước những nguy cơ mới,

Một giải pháp tốt nhất cho quan hệ giữa các nước vùng Vịnh là đối thoại trực tiếp không có điều kiện tiên quyết giữa những người anh em trong khuôn khổ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Liên đoàn Ả rập trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Lợi ích cao nhất của các nước trong khu vực là đoàn kết, tập trung mọi cố gắng vào cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết các cuộc xung đột, lập lại hoà bình và ổn định cho khu vực Trung Đông.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại