Tuyên bố từ Ấn Độ
Theo SCMP, cả hai phía đều kiên quyết không rút lui mặc dù 5 ngày trước đây Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã đồng ý sẽ giảm căng thẳng dựa trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau.
Tại New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh tuyên bố trước quốc hội Ấn Độ rằng nước này khẳng định sẽ "bảo vệ lãnh thổ và toàn vẹn lãnh thổ" bằng mọi giá.
"Chúng tôi muốn hòa bình nhưng cũng sẵn sàng cho mọi tình huống," ông Singh nói về căng thẳng kéo dài hơn 18 tuần tại biên giới Trung - Ấn. "Chúng tôi tin rằng quân đội Ấn Độ sẽ giải quyết được mọi vấn đề".
Ông Singh cũng cáo buộc quân đội Trung Quốc đã có hành vi hung hăng, làm ngược lại mọi thỏa thuận đã có giữa hai phía, làm gia tăng bất ổn và căng thẳng tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Nhắc tới vụ đụng độ ngày 15/6 khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ tử vong, ông Singh nói phía Trung Quốc cũng "chịu thiệt hại nặng về người" mặc dù Bắc Kinh không công bố con số chính thức.
"Hành vi bạo lực của quân đội Trung Quốc đã vi phạm hoàn toàn mọi quy định đã thống nhất," ông Singh nói.
Trước đó, Bắc Kinh cho rằng hoạt động xây dựng cơ sở vật chất ở vùng biên giới của Ấn Độ chính là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng giữa hai nước. Ngược lại, ông Singh nói Trung Quốc đã xây dựng tại vùng núi hẻo lánh trong nhiều thập kỉ, và New Delhi chỉ đang cố gắng rút ngắn khoảng cách.
"Ấn Độ đã đầu tư thêm ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng biên giới, gấp đôi mức trước kia. Chúng tôi sẽ hoàn thiện thêm nhiều con đường và cầu tại các vùng biên giới".
Các quan chức quân sự nói việc phát triển đường xá và sân bay ở 2 phía biên giới sẽ giúp quân đội di chuyển nhanh hơn, nhiều hơn và tới được nhiều điểm trọng yếu ở vùng Ladakh.
Tuần trước, một cuộc xô xát đã nổ ra ở vùng Chushul thuộc miền đông Ladakh, khiến binh sĩ hai phía nổ súng bắn chỉ thiên lần đầu tiên ở vùng biên giới trong hơn 4 thập kỉ mặc dù Bắc Kinh và New Delhi đã thỏa thuận không sử dụng vũ khí nóng.
Một cựu sĩ quan trong quân đội Ấn Độ (đề nghị giấu tên) đánh giá: "Ấn Độ cần phải có đòn bẩy quân sự để buộc Trung Quốc bước tới bàn đàm phán. Đó là điều chúng ta cần".
Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin chính phủ cho biết ở nhiều nơi, binh sĩ hai nước chỉ đứng cách nhau vài trăm mét và "nhìn chằm chằm" về phía đối phương để đề phòng bất trắc.
"Đây là các ngọn núi ăn thịt người, là nút thắt của mọi cuộc chiến tranh biên giới," một cựu sĩ quan Ấn Độ từng hoạt động trong khu vực cho hay.
Lợi thế điểm cao
Sanjay Kulkarni, một tướng nghỉ hưu của Ấn Độ, nói việc binh sĩ Ấn Độ chiếm các điểm cao quan trọng ở khu vực đã tạo ra một hệ thống phòng thủ gần như không thể bị phá vỡ: "Rất khó để tấn công những binh sĩ ở trên cao. Nó giống như việc bạn ngồi ở dưới đất và tìm cách tấn công một người ngồi trên tầng 30 của tòa nhà vậy".
Năm 1984, ông Kulkarni đã dẫn đầu một chiến dịch quân sự của Ấn Độ, chiếm lại sông băng Siachen ở độ cao 6.700m - nơi được coi là chiến trường cao nhất hành tinh. Trong khi đó, cuộc giằng co giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Chushul đang diễn ra ở độ cao khoảng 5.000m.
Tướng Kulkarni loại bỏ khả năng binh sĩ trèo lên các cao điểm để tấn công kẻ địch ở trên núi. "Trèo lên núi khi trong tầm nhìn của kẻ địch từ trên cao là việc nguy hiểm. Ngoài ra, ở độ cao như vậy, thở cũng là điềuk hó khăn và thậm chí còn thách thức hơn khi leo núi với hàng hóa trên lưng".
Ngoài những lợi thế về địa hình, sĩ quan nghỉ hưu Deepak Sinha - lính nhảy dù kì cựu và từng chỉ huy Lữ đoàn Dù số 50 của Ấn Độ - cho biết tấn công ở vùng cao sẽ cần tới rất nhiều binh sĩ. Ông Sinha từng viết rất nhiều về các cuộc chiến ở trên cao, nói thêm rằng điều kiện thời tiết và khí hậu là "khắc tinh" của binh sĩ ở vùng núi.
"Thông thường mà nói, nếu muốn tấn công trực diện, thì phải cần 9 người để hạ được 1 người ở trên cao điểm. Pháo binh thường không hiệu quả vì không khí loãng và tầm nhìn thấp khiến việc nhắm thẳng và đánh trúng mục tiêu từ bên dưới trở nên rất khó khăn. Hỗ trợ từ không quân là rất hạn chế và may ra chỉ có thể hoạt động được ở mức hiệu quả 50%".
Ông Kulkarni tin rằng binh sĩ Ấn Độ đang có lợi thế nhiều hơn quân đội Trung Quốc (PLA) nhờ vào kinh nghiệm chiến đấu trong những tình huống tương tự - đụng độ tại Siachen, chiến tranh với Trung Quốc năm 1962 cũng như một số cuộc chiến năm 1947, năm 1965 với năm 1999 với Pakistan tại các vùng núi ở Kashmir, Leh và Ladakh. Trong khi đó, binh sĩ Trung Quốc hầu như chỉ tham chiến tại đồng bằng và ít khi chiến đấu thực địa tại các vùng địa hình hiểm trở, khắc nghiệt.
Hôm 15/9, hai quan chức Ấn Độ tiết lộ Trung Quốc đang đặt các đường dây cáp quang tại khu vực nhằm đảm bảo liên lạc tại vùng biên giới được thông suốt. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ ra hoài nghi về việc này.