Tăng cường khám chữa bệnh trực tuyến
Với đặc thù là đơn vị tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh lý đường hô hấp, bệnh viện (BV) Phổi TƯ đã chủ động triển khai hình thức khám chữa bệnh qua video call (cuộc gọi hình ảnh), giúp người mắc bệnh mạn tính hay mới xuất hiện triệu chứng bất thường có thể xác định được nên điều trị tại nhà hay đến cơ sở y tế; đồng thời giúp bệnh viện chủ động trong sàng lọc bệnh truyền nhiễm.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi TƯ: Hiện có 2 nhóm đối tượng bệnh viện áp dụng khám từ xa. Thứ nhất là bệnh nhân đã được khám tại BV Phổi TƯ và điều trị ngoại trú một thời gian.
Qua cuộc gọi hình ảnh, người bệnh sẽ dễ dàng tiếp cận và được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc tại nhà cũng như tư vấn, điều chỉnh thuốc theo tình trạng bệnh lý, sức khỏe hiện tại.
Nhóm thứ hai là người mắc bệnh về đường hô hấp thông thường. Nếu trường hợp bắt buộc phải đến khám tại BV, thư ký y khoa sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách thức tới khám tiện lợi và an toàn nhất.
Theo đó, để đăng ký khám trực tuyến, người dân chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh: Tải app iSofHcare, lập tài khoản, sau đăng ký và đặt lịch khám với các bác sĩ tại BV Phổi TƯ theo khung giờ phù hợp (đặt lịch trước 24 giờ).
Đến giờ hẹn, người đăng ký sẽ thực hiện cuộc gọi điện thoại có hình ảnh với bác sĩ. Khi hoàn thành cuộc khám, bệnh nhân chẩn đoán, lời dặn của bác sĩ, đơn thuốc và lời hẹn khám lại nếu có.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã lựa chọn BV Đại học Y Hà Nội là đơn vị thí điểm triển khai mô hình chẩn đoán bệnh từ xa với một số bệnh viện vệ tinh.
Từ trung tâm điều hành tại BV Đại học Y Hà Nội kết nối với bốn điểm cầu gồm: BV Đa khoa Mường Khương (tỉnh Lào Cai), BV Đa khoa TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), trạm y tế xã và nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và điểm cầu ở nhà người bệnh mãn tính tại Hà Nội.
Với việc triển khai chương trình này, từ ngày 18/4, các bệnh nhân đã đặt hẹn khám sẽ được các bác sĩ thăm khám trực tuyến.
Riêng những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở BV tuyến cơ sở sẽ được hội chẩn với các chuyên gia tại trung tâm điều hành để có hướng điều trị phù hợp...
Khai báo y tế trực tuyến trước khi tới BV khám
Hiện nay, nhiều BV tuyến trên như: BV K Trung ương, BV Đại học Y, BV Xanh Pôn, BV Phụ Sản Hà Nội... đã gửi đi thông báo và đề nghị người bệnh, người nhà người bệnh khai báo y tế trước khi đến khám, điều trị tại BV.
Cụ thể, khi khai báo y tế, người bệnh sẽ kê khai các thông tin cơ bản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng sức khỏe và yếu tố dịch tễ của mình trong vòng 14 ngày qua.
Các thông tin về sức khỏe liên quan đến Covid-19 gồm các triệu chứng về hô hấp: ho, sốt, đau rát họng, khó thở, tức ngực...
Các thông tin về dịch tễ gồm sự đi, đến hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19, tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gián tiếp với người tiếp xúc gần, sử dụng các phương tiện công cộng (máy bay, tàu, xe) nhưng không đeo khẩu trang.
Cách làm này vừa giúp giảm tải, tránh ùn tắc khi khai báo y tế tại các bệnh viện, vừa giúp công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại bệnh viện được đảm bảo hơn.
Tại Hà Nội, ngoài những giải pháp có sử dụng công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo an toàn hoạt động khám chữa bệnh mùa dịch, Sở Y tế TP cũng vừa có văn bản 1978/SYT-NVY yêu cầu các BV tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tiếp đón, sàng lọc, phân luồng, cách ly theo quy định; đảm bảo các nguyên tắc và điều kiện phòng chống dịch bệnh tại khu vực khám bệnh ngoại trú, khu khám cấp cứu, khu điều trị nội trú; bố trí ghế ngồi chờ khám giãn cách tối thiểu 2m; thực hiện giãn cách giường bệnh theo quy định; thực hiện triệt để giám sát thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… đối với nhân viên, người lao động của đơn vị, bệnh nhân và người nhà chăm sóc bệnh nhân, người vào BV…
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị hạn chế số lượng người ra vào cơ sở y tế, không tập trung đông người tại một thời điểm bằng hình thức hẹn khám qua điện thoại, qua mạng… rút ngắn thời gian điều trị nội trú, áp dụng hình thức cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với người bệnh có bệnh lý mãn tính (không quá 2 tháng).