Giáo sư Kiat Ruxrungtham. Ảnh: Newwise
Thái Lan hiện đang tự nghiên cứu, phát triển 3 loại vaccine ngừa Covid-19 do 3 đơn vị trong nước bào chế gồm Baiya Sars Cov Vax 1, ChulaCov19 và NDV-HXP-S. Vaccine ChulaCov19 của Thái Lan đã bắt đầu được thử nghiệm trên người từ giữa tháng 6 vừa qua. Nếu thử nghiệm cho kết quả tốt, vaccine ChulaCov19 có thể được sản xuất hàng loạt vào giữa năm sau.
Giáo sư Kiat Ruxrungtham, chuyên gia Đại học Chulalongkorn và là người dẫn đầu dự án phát triển ChulaCov19, cho biết: “Chúng tôi muốn đẩy mạnh việc phát triển vaccine trong nước. Vaccine ChulaCov19 sẽ có mặt trên thị trường sớm nhất vào quý I hoặc chậm nhất là quý 3/2022. Chúng tôi cũng có thể sẽ xuất khẩu vaccine sang các nước khác trong khu vực”.
Hãng dược phẩm Baiya đơn vị sản xuất vaccine Baiya Sars Cov Vax 1 đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên vào tháng 8, với hy vọng vaccine này sẽ sẵn sàng để sử dụng vào năm tới. Trong khi vaccine NDV-HXP-S hiện trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người. Ngoài ra, Thái Lan cũng dự định cuối năm nay sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi mà nước này đang phát triển, sau khi các cuộc thử nghiệm ở chuột mang lại kết quả khả quan.
Còn tại Indonesia - quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nước này cũng đang bào chế vaccine Merah Putih. Đây là dự án hợp tác giữa 6 viện nghiên cứu trong nước và hai công ty dược phẩm. Hiện vaccine Merah Putih đã được gửi đến công ty dược phẩm sinh học (PT Bio Farma) - nhà sản xuất vaccine lớn nhất Đông Nam Á, để thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến, vaccine này có thể hoàn tất thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay và nếu kết quả khả quan, vaccine Merah Putih có thể được sản xuất đại trà vào đầu năm 2022. Ngoài vaccine Merah Putih, Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Indonesia cũng đã phê chuẩn kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 2 đối với loại vaccine thứ hai do nước này tự sản xuất là Nusantara. Giai đoạn 1 thử nghiệm đối với vaccine này đã hoàn tất vào cuối tháng 1/2021 với kết quả tốt và không gây bất cứ vấn đề nào nghiêm trọng đối với 27 tình nguyện viên.
Thế giới đã bước sang năm thứ 2 của đại dịch Covid-19. Các loại biến thể của virus SARS-CoV-2 trong đó có biến thể Delta diễn biến phức tạp, nguy cơ về một đại dịch kéo dài là hoàn toàn có thể xảy ra. Để đối phó với dịch bệnh, vaccine được xem là vũ khí quan trọng hàng đầu. Trong bối cảnh nguồn vaccine ngừa Covid-19 còn hạn chế, câu chuyện tự sản xuất vaccine của một số quốc gia đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên gia y tế bởi nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Theo giáo sư Paul Tambyah thuộc Hiệp hội châu Á - Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, tự phát triển vaccine là câu trả lời đúng đắn cho khu vực Đông Nam Á. Theo ông, các nước thu nhập tầm trung ở khu vực hoàn toàn có đủ năng lực để tự phát triển vaccine nhất là nếu được hỗ trợ cốt yếu như bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19, nguồn quỹ, năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu thô.
Còn theo chuyên gia Jerome Kim - Tổng Giám đốc Viện vaccine quốc tế đặt trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, nếu thừa nhận giả thuyết rằng thế giới sẽ còn phải tiếp tục chung sống với đại dịch Covid-19 trong dài hạn, việc các nước tự cung cấp được vaccine đều có thể thu về những lợi ích kinh tế lớn, không quan trọng việc đi chậm hay đi nhanh. Thế giới vẫn cần hàng tỷ liều vaccine nữa và thêm hàng tỷ liều khác, nếu các biến thể mới tiếp tục xuất hiện, nguy hiểm hơn, đe dọa đánh bại những vaccine thế hệ đầu tiên.
Ngoài lợi ích, kinh tế và y tế, theo Giám đốc Trung tâm Sáng chế vaccine quốc tế đặt trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản Ken Ishii, việc các quốc gia tự sản xuất vaccine còn có thể nâng cao vị thế quốc gia trên bình diện khoa học, kỹ thuật, ngoại giao hay đơn giản như một quốc gia tự lực tự cường. Việc tự sản xuất vaccine trong nước cũng cho thấy quyết tâm của các nước trong việc phòng chống đại dịch và bảo vệ người dân./.