Theo các giáo viên dạy lái xe, mục tiêu của khóa học này giúp người học nắm được kiến thức từ các kiến thức, thao tác đơn giản đến phức tạp như cách mở nắp capo, các thiết bị chính của xe, cách tháo lắp cần số khi xe không nổ, cách tháo, lắp bánh xe...
Sau đó dạy người học kỹ năng lái xe và nhất là thái độ, đạo đức khi lái xe để tham gia giao thông.
Ngoài ra là nâng cao khả năng nhận thức nguy cơ, giúp người lái xe đưa ra những quyết định thao tác đúng đắn và đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, kỹ năng lái xe không chỉ gói gọn qua một khóa học mà cần được các tài xế nâng cấp, luyện tập, trau dồi lâu dài vì lái xe là một trong những hoạt động "tự hoàn thiện" qua thời gian. Càng đi nhiều thì càng tích lũy được kinh nghiệm, càng thẩm thấu tốt hơn những kiến thức đã được học.
Để đạt được mục tiêu, nhiều trung tâm dạy lái xe ngày càng cải thiện, nâng cao phương pháp dạy học, trong đó lấy con người làm trung tâm. Tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý và tính cách, mỗi người sẽ học lái xe theo cách khác nhau và theo tốc độ khác nhau. Do vậy, tùy theo từng cá nhân, giáo viên sẽ thiết kế lộ trình hướng dẫn phù hợp.
Đồng thời, giáo viên cũng sẽ tìm cách khuyến khích người học chủ động và chịu trách nhiệm về việc học của mình sớm nhất có thể trong tiến trình học tập. Qua đó, hình thành cho người học khả năng nhận thức nguy cơ và tự đánh giá trong suốt cuộc đời lái xe.
Những điểm chính của học tập lấy khách hàng làm trung tâm trong đào tạo lái xe:
Làm việc cùng học viên để giúp họ đặt ra mục tiêu cụ thể và thực tế.
Lắng nghe cẩn thận và tìm hiểu những mối quan tâm lo lắng của học viên để tìm cách tốt nhất giúp họ đạt được mục tiêu của mình.
Khuyến khích người học tự đánh giá kết quả học tập của mình thay vì giáo viên đánh giá.
Xây dựng mối quan hệ tin cậy, tôn trọng và xây dựng với người học, từ đó dễ dàng tìm ra giải pháp hỗ trợ họ học tập.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, chương trình đào tạo lái xe ở Việt Nam chủ yếu được phân chia lý thuyết và thực hành riêng nên về cơ bản việc dạy và học lái xe chỉ tập trung vào phần lý thuyết là Luật giao thông và phần thực hành lái xe. Không nhiều giáo viên dạy các kỹ năng kiểm tra, sửa chữa xe với những hư hỏng đơn thuần, mà việc dạy lái xe cơ bản với mục đích vượt qua kỳ sát hạch để được cấp giấy phép lái xe.
Ngoài ra, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, văn hóa giao thông của người học cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo các chuyên gia, đây là điều cần thay đổi để góp phần hạn chế những tai nạn giao thông do ý thức kém của người lái xe.