Tờ Izvestia gần đây dẫn lời đại diện tập đoàn Almaz-Antey cho hay, S-500 sẽ trở thành trụ cột của hệ thống phòng không thống nhất trong tương lai của Nga.
Đây là hệ thống tên lửa phòng không do Nga phát triển dựa trên nền tảng S-400. Nó được thiết kế để tiêu diệt máy bay không người lái và tên lửa hành trình bay tầm thấp, cũng có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo và các loại thiết bị bay tốc độ cao ngoài tầng khí quyển.
Tầm bắn tối đa của S-500 là hơn 500km, nó còn có thể căn cứ vào mức độ nguy hiểm của mục tiêu để thực hiện tấn công đối với mục tiêu có mối đe dọa lớn nhất. Hiệu quả tác chiến tổng thể của S-500 nhìn chung vượt trội hơn mọi hệ thống phòng không hiện hành trên thế giới.
S-500 hứa hẹn sẽ giúp năng lực phòng không, phòng thủ tên lửa của Nga tăng lên đáng kể.
S-500 xuất hiện trên lịch bên cạnh những hệ thống tên lửa phòng không khác của Tập đoàn Almaz-Antei, bao gồm S-350E, Buk-M3, Tor-M2U và S-400
Đối với loại tên lửa quý giá như thế này, giới chuyên gia Nga cho rằng dù quốc gia nước ngoài có trả bao nhiêu tiền thì Nga cũng sẽ không bán đi.
Mặc dù các chuyên gia Nga không chỉ đích danh quốc gia nào trên thế giới nhưng phải chăng vì "có tật giật mình" mà một số trang mạng Trung Quốc đã dẫn lại thông tin này và cho rằng "quốc gia nước ngoài" ở đây chính là Trung Quốc.
Trên thực tế, Nga đã nhiều lần nếm "trái đắng" khi bán vũ khí cho Bắc Kinh. Vì thế, cái cách mà báo chí Trung Quốc "tự suy diễn" không hẳn là không có cơ sở.
Vì sao Nga sợ bán vũ khí cho Trung Quốc?
Những năm 90 của thế kỷ trước, xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc rất lớn, có năm lên tới 2 tỷ USD. Nhưng đến năm 2006, mọi chuyện chấm dứt, "dòng lũ" co lại thành vòi nước nhỏ giọt. Theo các nhà phân tích, lý do là vì Trung Quốc sao chép, nếu không muốn nói là đánh cắp công nghệ quân sự Nga.
Ví dụ, năm 2009, Nga từ chối bán cho Trung Quốc Su-33 vì lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đánh cắp thiết kế và sản xuất các bản sao một cách trái phép.
Trong nhiều năm, Trung Quốc thảo luận khả năng mua 50 chiếc Su-33. Nhưng khi Trung Quốc nói rằng, thời gian đầu, họ chỉ mua 2 chiếc phục vụ "mục đích đánh giá", Nga lùi lại ngay và tuyên bố sẽ không bán cho Trung Quốc bất kỳ chiếc Su-33 nào.
Lý do đằng sau lời từ chối này là Nga nhận ra rằng, Trung Quốc đã và đang sản xuất các phiên bản Su-27 một cách trái phép. Theo giới quan sát, Nga đã biết về việc đánh cắp này được một thời gian.
Tất cả bắt đầu vào năm 1995, khi Trung Quốc trả 2,5 tỷ USD mua giấy phép sản xuất 200 chiếc Su-27. Trong đó, Nga cung cấp động cơ và hệ thống điện tử cho Bắc Kinh. Nhưng sau năm 1995, khi lắp ráp xong máy bay Su-27, Trung Quốc hủy thỏa thuận với Nga.
Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ sử dụng những kiến thức có được từ chương trình Su-27 để phát triển phiên bản nội địa của loại chiến đấu cơ này và đặt tên là J-11.
Tiêm kích J-11B Trung Quốc.
Nga giữ bí mật vụ sao chép này và cảnh cáo Trung Quốc rằng, copy công nghệ Nga sẽ chỉ tạo ra những chiếc máy bay phế phẩm. Song, Trung Quốc đã bỏ ngoài tai cảnh báo đó và tiếp tục sản xuất J-11 bằng công nghệ mà họ tuyên bố là do họ tự nghiên cứu, phát triển.
Một ví dụ sao chép trắng trợn nữa là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 mà Trung Quốc đem xuất khẩu. Các chuyên gia quân sự của Nga và nhiều nước phương Tây đều tin rằng, hệ thống này sao chép tổ hợp tên lửa S-300 của Nga và Patriot của Mỹ.
Nhìn chung, trong nhiều năm qua, chính phủ Nga luôn phải tìm cách xử lý một vấn đề ngày càng trầm trọng là phía Trung Quốc làm ngơ, thậm chí khuyến khích các nhà sản xuất vũ khí của mình đánh cắp công nghệ quân sự Nga.
Đáng chú ý, nước này thường không đánh cắp toàn bộ hệ thống vũ khí (như máy bay, tàu chiến), mà là các thành phần.
Radar và hệ thống điện tử thường bị copy bằng cách sử dụng mẫu và dữ liệu kỹ thuật do các nhà sản xuất Nga cung cấp (nhằm bán được hàng). Vấn đề thường xảy ra là sau đó không có thương vụ nào được ký kết. Vài năm sau, Trung Quốc ra phiên bản nhái của hệ thống điện tử, tên lửa, radar Nga…
(Tổng hợp)