Đừng lo lắng, đây không chỉ là câu hỏi của riêng bạn, mà bạn hãy tin rằng, có đến hơn 80% số người trẻ đều đang than vãn và lao đao tìm câu trả lời cho dấu chấm hỏi vô cùng lớn này.
Thật ra, định luật bảo toàn của tiền cũng có thể hiểu như cách chúng ta vẫn hay nói đùa là “tiền không mất đi mà nó chỉ chạy từ túi người này sang túi người kia”.
Điều này có nghĩa là, tiền không tự bốc hơi khỏi túi bạn, mà là bạn đã tiêu nó vào những mục đích cá nhân của mình.
Rất nhiều người rơi vào tình trạng cháy túi khi chưa kịp hết tháng. (Ảnh: Internet)
Câu chuyện người trẻ không giữ được tiền là câu chuyện dài tập và sẽ không có hồi kết nếu bạn không tìm ra mấu chốt của vấn đề.
Trước khi bạn làm ra tiền, bạn phải học cách tiêu tiền, và muốn giữ được tiền, thì bạn cần có cách tiêu tiền thật khoa học.
Nghe xa xôi nhưng đó lại là điều rất gần, những suy nghĩ không thực tế, không có kế hoạch chi tiêu cụ thể là những nguyên nhân khiến bạn vung tay quá trán, hậu quả là “nghèo vẫn hoàn nghèo”, dù có thể số tiền bạn làm ra không hẳn là ít so với mức thu nhập trung bình của mọi người.
Đến đây, lời đáp cho câu hỏi “Tại sao?” của bạn đã dần được hé mở rồi đấy.
Nhưng nếu muốn tìm một đáp án cụ thể và thuyết phục hơn, thì hãy cùng xem 6 lí do khiến bạn luôn trong trạng thái thiếu tiền mà trang AOL Finance đưa ra dưới đây nhé!
1. “Mình thích thì mình tiêu thôi”
Peter Huminski (Chủ tịch, cố vấn tài sản tại Thorium Wealyh Management) đưa ra lời khuyên rằng, nếu bạn luôn rơi vào tình trạng tiêu tất cả, thậm chí là hơn số tiền mình kiếm được mỗi tháng, thì bạn cần xác định những lỗ hổng khiến ví của bạn bị “chảy máu tiền bạc” để bịt nó lại.
Thói quen mua sắm khiến bạn viêm màng túi nặng nề. (Ảnh: Internet)
Thông thường, những lỗ hổng này đến từ thói quen mua sắm mỗi tuần như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ công nghệ,… hoặc đơn giản chỉ là những bữa ăn uống tưởng chừng như vô hại với việc viêm màng túi.
Chẳng hạn như, ăn trưa ở ngoài chính là thói quen tiềm ẩn làm tiền trong ví của bạn vơi đi.
Tại sao chúng ta không chọn cách tự nấu ăn ở nhà? Điều này vừa đảm bảo sức khỏe và bạn còn tiết kiệm được một khoản khá lớn đấy. Nếu bạn không tin, hãy thử nhẩm tính số tiền bạn phải bỏ ra cho thói quen ăn ngoài 7 ngày/ tuần và 30 ngày/ tháng đi nào!
2. Dùng tiền không có mục tiêu cụ thể
Đặt mục tiêu cụ thể đến từng con số. (Ảnh: Internet)
Joseph Carbone (Chuyên gia kế hoạch tài chính của Focus Planning Group) nhận định rằng, cũng như mọi vấn đề khác trong cuộc sống, việc chi tiêu không có mục đích sẽ gây tổn thất nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Kể cả những người có ý định tiết kiệm tiền để khi về hưu sẽ mua nhà, mua ô tô hoặc đơn giản là chỉ để tích lũy một nguồn quỹ dưỡng già, nhưng nếu họ không đặt ra con số cụ thể, thì vẫn rất khó để giữ được tiền.
Thế nên, nếu muốn thực hiện những dự định mình ấp ủ, hãy đặt ra một mục tiêu cụ thể đến từng con số.
3. Không hành động
Đừng chỉ nghĩ, hãy hành động. (Ảnh: Internet)
Nhiều người tin rằng mình đang quản lí tốt nguồn chi tiêu của bản thân với các khoản cụ thể đã định sẵn và như vậy sẽ không rơi vào tình trạng hết tiền hoặc nợ nần.
Tuy nhiên, đến cuối tháng, bạn vẫn rơi vào những tình huống “viêm màng túi”. Vì sao thế nhỉ? Nguyên nhân đến từ việc một vài suy nghĩ của bạn vẫn chưa được hành động cụ thể.
Ví dụ như, bạn nghĩ mình sẽ dành ra những khoản tiền nhất định để chi trả cho hóa đơn hàng tháng, một khoản khác để tiết kiệm. Nhưng trên thực tế, những khoản tiền ấy đều bị các mục đích chi tiêu khác lấn sân làm thâm hụt.
Thế nên, bạn cần lập ngay một tài khoản tiết kiệm và quăng vào đó số tiền nhất định lúc vừa nhận lương. Sau đó, tạm lãng quên số tiền ấy đi để nó không bị thất thoát.
4. Không thể nói “không”
Bạn có phải là người dễ bị hấp dẫn bởi các lời mời gọi mua sắm? (Ảnh: Internet)
Đó là hệ quả của lực hấp dẫn giữa thói quen mua sắm của chúng ta với các sản phẩm quảng cáo mới và các cơ chế khuyến mãi đánh vào tâm lí người tiêu dùng đầy ngoạn mục của các nhãn hàng.
Bạn sẽ rơi vào tình trạng, chấp nhận chi trả số tiền bằng cả tuần, cả tháng lương để mang về món đồ được các nhà bán hàng rỉ vào tai là mua ở thời điểm này sẽ có rất nhiều lợi ích cho bạn.
Thế nên, nếu muốn giữ được tiền và không bị ám ảnh bởi cảnh nợ nần, hãy tỉnh táo trước những lời mời chào nhé!
5. Không biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên
Hãy xác định thứ tự các khoản chi tiêu để tránh sự thiếu hụt sai chỗ. (Ảnh: Internet)
Một trong những cách chi tiêu khoa học để có thể tiết kiệm được tiền đó là cần sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống.
Hãy dành thời gian để nhìn vào mức thu nhập và khả năng tài chính của bạn để biết được cần ưu tiên cho việc gì trước.
Hãy đừng buông thả ví tiền của bạn, dù có phải chi trả rất nhiều khoản tiền trong một ngày thì cũng cần nhớ rằng, bạn còn rất nhiều ngày khác nữa mới đến được một tháng lương mới. Như vậy, bạn mới có thể tiết kiệm được.
6. Không có thói quen theo dõi chi tiêu
Bạn cần có thói quen theo dõi các khoản thu chi của mình. (Ảnh: Internet)
Cũng giống như việc không biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên, việc chi tiêu tự do thiếu sự theo dõi và kiểm soát sẽ khiến bạn có xu hướng lãng phí rất nhiều tiền mỗi tháng.
Josh Brein (Chuyên gia tài chính của Hãng Brein Wealth Management) nói rằng, ông luôn khuyên khách hàng và bạn bè của mình nên chú trọng vào việc theo dõi chi tiêu.
Thói quen này sẽ giúp bạn xác định chính xác các khoản thu chi và cắt giảm những danh mục không cần thiết giúp tiết kiệm tiền cho những tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc sống.