Thói quen tưởng tốt nhưng lại vô tình "tặng nhau" vi khuẩn, bệnh tật
Trong bữa ăn, đũa là vật dụng riêng tư của từng người, dùng để gắp thức ăn. Tuy vậy, đôi khi những thói quen không lành mạnh có thể dẫn đến việc chúng ta vô tình tiếp xúc với đầu đũa của nhau.
Đầu tiên phải kể đến việc gắp thức ăn cho nhau. Trong văn hóa của người Việt điều này thể hiện lòng mến khách, nhất là trong những dịp gia đình thết đãi khách quý.
Tiếp theo, đó là thói quen chấm chung một bát nước mắm. Bởi người Việt có sở thích chấm gia vị.
Hay ăn chung một bát canh, gắp đũa vào nồi lẩu.
Tất cả những thói quen đó đều có thể tiềm ẩn nguy cơ gieo rắc bệnh tật cho cả gia đình. Trong khoang miệng của chúng ta có chứa rất nhiều vi khuẩn, bao gồm viêm gan A, viêm gan E, HP... Khi chúng ta dùng đũa của mình để gắp đồ ăn cho người khác, hoặc nhúng đũa vào bát canh, nồi lẩu ăn chung... thì những vi khuẩn này sẽ đi theo dịch tiêu hóa bám trên đũa và dính sang thức ăn của người đối diện.
Theo nhận định của bác sĩ chuyên khoa II Đinh Quý Minh (khoa Nội Tiêu hóa tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô), thói quen ăn uống "thân mật" như trên có thể trở thành con đường truyền nhiễm cho các căn bệnh như cúm, quai bị, viêm gan. Đặc biệt là nguy cơ lan truyền vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các tổn thương như viêm, loét ở dạ dày và tá tràng, có khả năng cao dẫn đến ung thư dạ dày.
Như vậy, nói cách khác thì đây thực sự là cách "tặng" nhau vi khuẩn, bệnh tật, phổ biến nhất là vi khuẩn HP. Nếu trong nhà có một người nhiễm vi khuẩn HP mà chấm chung nước mắm thì những người khác sẽ dễ bị lây.
Thay vì dùng chung nước mắm, gắp thức ăn cho nhau, chúng ta có thể:
- Người Việt có thể đổi đầu đũa khi gắp thức ăn cho nhau hoặc dùng 1 đũa sạch để làm việc này.
- Ngoài ra, nên tránh sử dụng chung bát, thìa, đũa..., tránh chấm chung một bát nước mắm. Mỗi người nên có 1 bát nước chấm riêng.
- Khi dùng các món ăn chung như canh, lẩu... nên sử dụng thìa, muôi múc canh.
- Đồng thời tập thói quen ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe của mọi người.
Vi khuẩn HP nguy hiểm như thế nào?
Khi cơ thể bị nhiễm HP, vi khuẩn này sẽ ký sinh trong mô niêm mạc dạ dày, sau đó kích thích và làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây ra nhiều loại bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí cả ung thư dạ dày. Từ năm 1994, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xếp vi khuẩn HP vào nhóm I các yếu tố gây ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP có khả năng lây lan mạnh mẽ. Chúng không những tồn tại trong lớp niêm mạc của dạ dày mà còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám răng và khoang miệng của những người nhiễm bệnh. Do đó, vi khuẩn này có thể dễ dàng chuyển từ người này sang người khác thông qua các con đường như: Dụng cụ nội soi chưa được tiệt trùng kỹ lưỡng, tiếp xúc qua tay nếu không rửa tay sau khi đi vệ sinh, hoặc qua các loài vật như chuột và côn trùng. Tuy nhiên, con đường truyền nhiễm phổ biến nhất của HP là qua đường tiêu hóa từ việc ăn uống hàng ngày.
Các triệu chứng như đau bụng, cảm giác đầy hơi, khó tiêu và nôn mửa cần được chú ý để kịp thời điều trị. Qua đó giảm thiểu nguy cơ của các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.
Việc phát hiện sớm có thể làm tăng tỷ lệ điều trị thành công lên tới 50%. Không điều trị kịp thời từ giai đoạn đầu có thể dẫn đến khó khăn trong việc chữa trị khi bệnh tái phát.