Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Biển Australia, san hô đang mọc lại với tốc độ kỷ lục trong năm nay dọc 2/3 rạn Great Barrier. Đây được coi là mức tăng trưởng lớn nhất trong 36 năm qua, theo Bloomberg.
Việc san hô mọc trở lại là tín hiệu đáng mừng, sau khi tình trạng biến đổi khí hậu khiến rạn san hô lớn nhất thế giới này chịu tổn thương nghiêm trọng vì bị tẩy trắng hồi đầu năm. Tẩy trắng là hiện tượng thường xuyên xảy ra do biến động nhiệt độ đại dương, khiến san hô khỏe mạnh bị tác động và đẩy tảo sống bên trong các mô ra ngoài.
Trước đó, trong số 719 rạn san hô được khảo sát, 654 rạn đã bị tẩy trắng (chiếm 91%). Đây là sự kiện tẩy trắng hàng loạt lần thứ 4 chỉ trong 6 năm đối với rạn san hô Great Barrier - điều khiến giới chuyên gia vô cùng quan ngại.
Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ cũng cho thấy trong 'kịch bản xấu nhất', khoảng 50% số rạn san hô trên thế giới sẽ thường xuyên phải đối mặt với các điều kiện sống không thích hợp vào năm 2035, nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp diễn. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLOS Biology, sau khi các nhà khoa học tại Đại học Hawaii sử dụng mô hình biến đổi khí hậu toàn cầu và tiến hành so sánh các kịch bản có thể xảy ra dựa trên 5 yếu tố, bao gồm nhiệt độ bề mặt nước biển, hiện tượng axit hóa đại dương, các cơn bão nhiệt đới, vấn đề sử dụng đất và dân số.
Rạn san hô Great Barrier gồm 3.000 rạn san hô nhỏ, chạy song song với bờ biển Queensland. Ngành công nghiệp du lịch liên quan tạo cơ hội việc làm cho khoảng 64.000 người, với doanh thu hàng năm lên tới 4,4 tỷ USD.
“Hầu hết các mô hình khí hậu đều dự đoán rằng Great Barrier Reef sắp chứng kiến các sự kiện tẩy trắng hàng năm, bắt đầu vào khoảng năm 2040 đến năm 2050,” Derek Manzello, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Rạn san hô thuộc Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ cho biết.
“Nó tập hợp rất nhiều vấn đề khác nhau, từ môi trường, kinh tế đến xã hội và ngày càng trở nên phức tạp”, Imogen Zethoven, giám đốc Blue Ocean Advisory chia sẻ với Bloomberg.
San hô đang mọc lại với tốc độ kỷ lục trong năm nay dọc 2/3 rạn Great Barrier.
Bảo tồn san hô từ lâu đã trở thành niềm tự hào của Australia - quốc gia cam kết chi ra hơn 2 tỷ USD cho công cuộc làm chậm hiện tượng tẩy trắng san hô, đồng thời hạn chế một số kỹ thuật đánh bắt công nghiệp để tránh tổn hại đá ngầm và hệ sinh thái biển.
"Chúng tôi ủng hộ bảo vệ rạn san hô và tương lai kinh tế của các hãng du lịch, nhà cung cấp dịch vụ khách sạn và cộng đồng dân cư ở Queensland vốn rất gắn bó với nền kinh tế san hô", Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố.
Trước đó, khi UNESCO cảnh báo về tình trạng của Di sản Thế giới này hồi năm 2015, Australia đã lập một kế hoạch mang tên "San hô 2050" và chi hàng tỷ AUD để bảo vệ quần thể thiên nhiên. Các biện pháp trên được cho là đã giúp làm chậm đà xuống cấp của rạn san hô.
Dẫu vậy, trong nhiều thập kỷ qua, rạn san hô Great Barrier vẫn chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu. Đợt El Niño hồi vào năm 1998 đã thúc đẩy sự chết dần chết mòn của san hô và khiến các chuyên gia dự đoán, rằng hiện tượng này có thể sẽ “trở nên phổ biến trong vòng 20 năm nữa”. Tám năm qua là khoảng thời gian trái đất nóng lên kỷ lục.
Trong vòng 20 năm kể từ sau 1998, rạn san hô Great Barrier bắt đầu bước vào thời kỳ đen tối. Hiện tượng tẩy trắng hồi năm 2016 đã tác động tiêu cực lên 90% rạn san hô, xóa sổ một nửa khu vực phía bắc và thu hẹp độ phủ 30% san hô nói chung. Chu kỳ của hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn vào những năm sau, cụ thể là năm 2020 và một lần nữa vào năm 2022.
Nghiên cứu về hiện tượng tẩy trắng san hô đã được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017. Họ ước tính một nửa các rạn san hô trên thế giới bị tẩy trắng nghiêm trọng và 15% trong số đó đã chết hoàn toàn.
Bảo tồn san hô từ lâu đã trở thành niềm tự hào của Australia - quốc gia cam kết chi ra hơn 2 tỷ USD cho công cuộc làm chậm hiện tượng tẩy trắng san hô
“Sự phá hủy trên diện rộng của hiện tượng trái đất nóng lên đối với các rạn san hô đang gia tăng”, nghiên cứu chỉ rõ.
Được biết rạn san hô Great Barrier đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới năm 1981. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mỗi năm quần thể này thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến rạn san hô này bị tàn phá nghiêm trọng. Điển hình, nhiệt độ cao kỷ lục đã gây ra hiện tượng tẩy trắng hàng loạt san hô vào năm 2016 và 2017, làm suy yếu san hô nhỏ và san hô trưởng thành ở thời kỳ sinh sản, đồng thời tác động lớn đến khả năng phục hồi của san hô sau các đợt tẩy trắng hàng loạt.
Terry Hughes, giáo sư tại Đại học James Cook ở Queensland, cho biết: “Chúng ta không thể cứu Amazon bằng cách trồng cây trong nhà kính. Rạn san hô có kích thước bằng 70 triệu sân bóng đá và trong suốt 50 năm qua, có thể chúng ta chỉ phục hồi 2 sân bóng mà thôi”.
Tuy nhiên, điều đó “không có nghĩa là bạn không thể lên thuyền và ngắm rạn san hô tuyệt đẹp này”, Zethoven nói. Theo Bloomberg, đây chính là khoảng thời gian tuyệt vời để thăm thú Great Barrier trước khi hiện tượng tẩy trắng lặp lại.
Theo Viện Khoa học Biển Australia, san hô tại Great Barrier vẫn có khả năng phục hồi, song các tác nhân gây căng thẳng ảnh hưởng đến san hô còn lâu mới biến mất. Triển vọng cho thấy, các đợt nắng nóng, lốc xoáy và sao biển đầu gai sẽ diễn ra thường xuyên và kéo dài hơn.
Rạn san hô Great Barrier đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới năm 1981.
"Trong khi sự phục hồi nói trên là thông tin tốt cho Great Barrier, song ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng duy trì trạng thái tẩy trắng san hô này", một báo cáo cho biết.
“Rạn san hô Great Barrier sẽ không bao giờ có thể trở lại như 30 năm trước đây. Đây có thể là thời điểm thích hợp để bạn trở thành một nhà khám phá sinh vật biển đấy”, Terry Hughes nói.
Theo: Bloomberg