Cơ thể người là một cỗ máy hoạt động hết sức nhịp nhàng, nhưng không phải lúc nào nó cũng hoạt động giống nhau. Sẽ có những thời điểm trong ngày mọi thứ diễn ra mạnh hơn, đốt được nhiều calorie hơn mà chẳng cần phải làm gì cả. Và nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology đã chỉ ra điều đó.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Brigham and Women (Mỹ) mới đây đã khám phá ra rằng có một thời điểm dù chẳng làm gì, bạn cũng đốt được nhiều năng lượng hơn 10%. Đó là lúc chiều muộn.
Chiều muộn là khoảng thời gian bạn không làm gì cũng đốt được nhiều năng lượng hơn
Để có được kết quả này, các chuyên gia đã tập hợp một nhóm tình nguyện viên từ 38 - 69 tuổi, để họ trong một phòng thí nghiệm, cách ly hoàn toàn với điện thoại, Internet, đồng hồ, và thậm chí cũng không có cửa sổ. Tổng thời gian thí nghiệm kéo dài 37 ngày.
Điều này có nghĩa rằng các ứng viên sẽ không có khái niệm về thời gian. Các khoảng thời gian để ăn, ngủ, vận động sẽ được kiểm soát bởi nhóm nghiên cứu, và dĩ nhiên là không theo lịch trình bình thường.
Mỗi ngày, nhóm nghiên cứu sẽ dời lịch sinh hoạt của các ứng viên sớm hơn 4h, để sớm khiến đồng hồ sinh học vốn có bị rối loạn, và bắt nhịp sinh học chỉ hoạt động theo những gì mà cơ thể cần. Nó cũng giống như việc những người này tiến đến 4 múi giờ về phía Tây mỗi ngày trong vòng 3 tuần vậy.
"Vì họ thay đổi lịch sinh hoạt liên tục, nhịp sinh học đã không thể bắt kịp, và nó tự vận hành theo cơ chế riêng của nó," - trích lời Jeanne Duffy, phó giáo sư khoa y dược tại ĐH Harvard.
"Điều này cho phép chúng tôi tính toán được tỉ lệ trao đổi chất theo từng nhịp sinh học mỗi ngày."
Trong thí nghiệm, các ứng viên được đeo một bộ cảm biến nhiệt. Nó sẽ cho biết thời điểm thân nhiệt tăng lên - cũng là lúc họ đốt được nhiều năng lượng hơn. Khi phân tích dữ liệu, kết quả cho thấy thời điểm đốt được ít nhất là đêm muộn và sáng sớm, còn lúc nhiều nhất là chiều muộn, chớm tối.
Và điều này có nghĩa là gì?
Kết quả nghiên cứu không có nghĩa là bạn nên chuyển giờ tập sang khoảng thời gian này, bởi lẽ các chuyên gia chỉ đánh giá khả năng đốt năng lượng trong khi nghỉ ngơi thôi. Thứ cần quan tâm ở đây là thời gian ăn uống của bạn.
Theo Duffy, bạn rõ ràng nên tránh ăn các thực phẩm giàu năng lượng trong giai đoạn đốt ít - như đêm muộn và sáng sớm. Đây dường như cũng là lý do vì sao các công nhân viên làm việc theo ca (trực đêm hoặc sáng) dễ mắc các bệnh béo phì hoặc tiểu đường hơn.
"Chúng ta có thể đã ăn vào những thời điểm cơ thể không được chuẩn bị đủ để hấp thụ, hay đúng hơn là cơ thể đang cần ít năng lượng hơn để hoạt động. Điều đó có nghĩa rằng số năng lượng bạn nạp vào bị dư thừa, và chúng sẽ tích lại dưới dạng chất béo." - Duffy cho biết.
Đây chỉ là nghiên cứu trên quy mô nhỏ - 7 người, và chưa tính đến các yếu tố như chế độ ăn, tần suất tập luyện, hay thời gian ngủ. Tuy nhiên, Duffy cho biết đây là một nghiên cứu nền tảng để tiếp tục các thử nghiệm trong tương lai, nhằm xác định vai trò của thời điểm ăn uống trong cuộc sống của chúng ta.
"Không đơn giản chỉ là ăn gì, mà là ăn vào lúc nào, và thời điểm nghỉ ngơi cũng ảnh hưởng đến năng lượng chúng ta đốt được." - Duffy kết luận.
Tham khảo: Daily Mail