Trong thế kỷ 21, những đứa trẻ có năng khiếu đều là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, hơn cả dầu mỏ hay khí đốt.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới đây của giáo sư tâm lý học thần kinh tại đại học Paris, Laurence Vaivre-Douret, nước Pháp đang lãng phí phần lớn nguồn tài nguyên quý giá này.
Theo nghiên cứu được công bố của Bộ Giáo dục Pháp, 39% trẻ em tài năng ở đây bị trầm cảm trong khi chỉ 2% trẻ em bình thường mắc chứng này.
Hơn 80% thần đồng nhỏ tuổi ở Pháp đều mắc chứng lo âu, và hơn 1/5 có nguy cơ tự tử.
Trẻ em có năng khiếu ở Pháp thường dễ bị trầm cảm hơn. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo ngại này là do hệ thống trường học ở Pháp. Nước Pháp không tồn tại hệ thống trường chuyên, lớp chọn, mà chỉ có một số ngôi trường đặc biệt dành cho “thần đồng”, hoạt động như trường tư.
Hầu hết những ngôi trường đặc biệt này nằm ở thủ đô Paris và một số thành phố lớn khác.
Học phí tại những ngôi trường này khoảng 7.000 - 8.000 euro/năm, tương đương 190 - 230 triệu đồng.
Ở Pháp cũng chưa có cơ chế để xác định sớm những đứa trẻ có năng khiếu như Mỹ và các nước khác. Những đứa trẻ thiên tài thường chỉ được biết đến sau khi gặp phải những khó khăn trong xã hội.
Mặc dù có khả năng nhận thức vượt bậc, nhiều học sinh lại không thích ứng tốt trong môi trường học tập, dẫn đến việc bị lưu ban hoặc không hòa nhập được và bị rối loạn hành vi.
Thế nào là một đứa trẻ có năng khiếu?
Trẻ vốn cần có môi trường tự do và thoải mái, để bộc lộ hết năng khiếu. Sự phát triển trí tuệ đặc biệt của trẻ được thể hiện qua nhiều cách.
Nếu con bạn có thể đọc rành rọt một cuốn truyện khi mới 4 tuổi, có hứng thú với những con số, mạch điện hoặc giải được những phương trình phức tạp mà chúng chưa từng được học thì chính là biểu hiện của sự phát triển vượt bậc về mặt nhận thức.
Nếu gia đình và nhà trường cảm thấy con trẻ có tiềm năng cao thì nên mời chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục đến trường để quan sát và đánh giá khả năng của trẻ.
Sau khi trải qua những đánh giá nghiêm ngặt, nếu trẻ thực sự là “thần đồng”, các chuyên gia, nhà trường và gia đình mới cùng thảo luận về chương trình học cho trẻ.
Thông thường, sau khi được xác nhận là "thần đồng", học sinh sẽ được "nhảy cóc" lớp, tùy theo khả năng của mình và dưới sự đồng ý của phụ huynh.
Các trường hợp thường thấy là bé "nhảy" 1-2 lớp, ở giai đoạn đang học mẫu giáo hoặc cấp một. Trường hợp nhỏ tuổi nhất được ghi nhận gần đây ở Pháp là nữ sinh 14 tuổi có chỉ số IQ 146, nhập học đại học vào tháng 9/2017.
Từ năm 2009, mỗi trường khu vực trong phạm vi quận đều có một người phụ trách về vấn đề năng khiếu của học sinh.
Hệ thống giáo dục của Pháp chú trọng khả năng ghi nhớ thuộc lòng hơn là sự sáng tạo, tò mò hay thể hiện bản thân.
Hệ thống giáo dục như vậy thường khiến những đứa trẻ có tài năng thấy chán nản và không muốn áp dụng những thứ chúng phải học vẹt lên bản thân.
Điều này thường bị hiểu thành đứa trẻ không chịu cố gắng, hoặc có tâm lý nổi loạn.
Mãi đến năm 2017, trường đại học Paris mới đào tạo ra một nhóm, chuyên về tập huấn, hỗ trợ cho giáo viên và các nhà quản lý về vấn đề giáo dục năng khiếu.
Cũng theo nghiên cứu của giáo sư Laurence Vaivre-Douret trong suốt khoảng thời gian qua, sau rất nhiều những đấu tranh, nhìn chung các trường học ở Pháp cũng đã đạt được những bước tiến to lớn trong việc phát hiện trẻ tài năng.
Hy vọng rằng trong tương lai, học sinh năng khiếu tại Pháp nói riêng và các nước khác nói chung được đánh giá đúng, kịp thời và có môi trường để phát huy khả năng của mình.