Thật kì lạ và cũng thật may mắn khi mà cơn bão Mặt Trời tồi tệ nhất từng được ghi lại xảy ra vào cái lúc mà nhân loại chưa bị ảnh hưởng nhiều lắm. Ta đã thoát được cơn thịnh nộ của Mặt Trời trong gang tấc.
Đó là Sự kiện Carrington, cơn bão Mặt Trời diễn ra năm 1859, đã phóng một đợt gió Mặt Trời lớn vào lớp quyển từ bảo vệ Trái Đất, tạo ra một cơn bão địa từ với sức mạnh mà nền văn minh hiện đại chưa từng được chứng kiến.
Một dải lớn những hạt mang điện phóng thẳng vào từ trường Trái Đất, cực quang cực mạnh soi sáng bầu trời. Trong cơn bão lớn, những dòng điện mạnh quét qua bề mặt Trái Đất, tạo ra nhiều thứ hơn là những hình ảnh đẹp mắt.
Hệ thống điện tín tại Châu Âu và Bắc Mỹ sập hoàn toàn, những thiết bị điện phóng tia điện lung tung, khiến người vận hành bị giật và trong một số trường hợp, giấy trong các văn phòng đã bắt lửa gây cháy.
Công nghệ Trái Đất đã chìm trong cảnh hỗn loạn. Nếu đem so sánh công nghệ của thời điểm 1859 với ngày nay thì sao?
Thực sự thì không ai rõ chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng khi xét tới việc công nghệ đã len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống ngày nay, nhìn lên những công trình công nghệ đồ sộ, so sánh với hệ thống điện tín đơn sơ của năm 1859, thì có thể chắc chắn thiệt hại sẽ không nhỏ đâu.
Để dễ nhìn nhận vấn đề hơn, ta có thể liên hệ với những sự kiện lạ đã diễn ra vào tháng Ba năm 1989. Lúc ấy, một cơn bão Mặt Trời đã tấn công Trái Đất, chỉ có điều không mạnh bằng cơn bão Carrington xưa kia.
Người dân trên mặt đất lúc ấy có thể nhìn thấy những đợt cực quang trên bầu trời. Những hạt mang điện trên bầu khí quyển đã gây nhiễu loạn sóng vô tuyến và ảnh hưởng tới hệ thống liên lạc vệ tinh.
Hậu quả nặng nề nhất có thể kể tới Quebec, Canada, khi mà toàn bộ lưới điện nơi đây đã dừng hoạt động, đồng nghĩa với việc 6 triệu người phải sống trong cảnh mất điện. Với nhiều người, đợt mất điện này chỉ kéo dài vài giờ nhưng với nhiều người khác, họ đã phải sống nhiều ngày trong cảnh không có điện.
Chính hậu quả tai hại này đã khiến nước Mỹ lo sợ một ngày nào đó, một cơn bão địa từ mạnh tương đương cơn bão Mặt Trời Carrington sẽ lại diễn ra. Chính phủ Mỹ đề ra một bản kế hoạch cụ thể nhằm đối đầu với trường hợp này.
Một cơn bão Mặt Trời đủ lớn có thể đánh sập hệ thống liên lạc và mạng lưới điện khắp thế giới trong nhiều ngày, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Vô vàn thứ sẽ bị ảnh hưởng: lưới điện, vệ tinh, hệ thống GPS, mạng Internet, điện thoại, các hệ thống giao thông… Khi mà mọi thứ kết nối với mọi thứ, thì sẽ đồng nghĩa với việc tất cả mọi sự nếu ra đi, thì sẽ ra đi cùng lúc.
Lúc đó, quy mô sẽ không chỉ là Quebec mà sẽ còn là cả thế giới.
Đây không phải là khoa học giả tưởng, đây là thảm họa hoàn toàn có thể xảy ra. Thông số cho biết ta có thể đối mặt với thiệt hại lên tới 2 nghìn tỉ USD chỉ trong năm đầu tiên, và quá trình hồi phục có lẽ sẽ phải mất cả thập kỉ.
Tồi tệ hơn, có những người đưa ra con số thiệt hại lên tới 20 nghìn tỉ USD. Con số khổng lồ này sẽ khiến người ta nghĩ lại về những thảm họa đến từ Vũ trụ.
"Trong quá khứ, khi nói tới những mối nguy ‘từ trên trời rơi xuống’, người ta thường nghĩ tới thiên thạch", nhà vật lý học vũ trụ Abraham Loeb từ Đại học Harvard nói.
"Nhưng một thế kỉ trước, ta chưa có cơ sở hạ tầng công nghệ như ngày này, và công nghệ vẫn đã và đang phát triển cực kì nhanh. Do đó, thiệt hại ngày trước dự tính sẽ không giống với ngày nay chút nào".
Trường hợp bớt lo nhất, thì bão địa từ sẽ chỉ gây ảnh hưởng tới các hệ thống liên lạc. Nhưng lịch sử đã cho ta thấy những ảnh hưởng lên hệ thống liên lạc có thể gây ra thiệt hại như thế nào.
Trong giờ phút căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, bão Mặt Trời đã làm cả ba hệ thống phát hiện tên lửa của Mỹ dừng hoạt động, họ đã tưởng đó là hành động của Liên Bang Xô Viết và suýt có hành động tấn công. Phía Xô Viết cũng có một câu chuyện tương tự , có điều không liên quan tới bão Mặt Trời.
Hệ thống phát hiện tên lửa sớm của Mỹ.
Nguy cơ vô cùng lớn, nhưng ta không sở hữu công nghệ cho biết lúc nào một cơn bão Mặt Trời nữa sẽ diễn ra. Dưới bầu trời đầy cực quang tuyệt đẹp, con người sẽ tuyệt vọng bắt đầu lại từ đầu.
"Khi một sự kiện tầm cỡ Carrington diễn ra vào ngày mai, hậu quả sẽ cực kì thảm khốc", giám đốc nghiên cứu mảng năng lượng tại MIT, Francis O’Sullivan nói với trang tin CNET.
"Sẽ không chỉ là toàn bộ đèn đóm tắt hết. Các tài khoản ngân hàng sẽ biến mất…
Nếu bạn tưởng tượng ra được chuyện gì xảy đến nếu việc giao dịch chứng khoán ngưng trệ trong một tuần hoặc một tháng, hoặc nếu toàn bộ liên lạc bị cắt đứt trong một khoảng thời gian tương tự, bạn sẽ hiểu rằng đây là thảm họa kinh hoàng nhất mà ta có thể phải đối mặt".
Tham khảo ScienceAlert