Là sinh viên mới ra trường tìm việc, CV là thứ không thể thiếu mỗi lần nộp hồ sơ ứng tuyển. Nhưng ở một số trường hợp hoặc các công ty riêng biệt, họ có xu hướng nhìn vào cả tài khoản mạng xã hội của ứng viên để đánh giá nữa.
Tại sao lại như thế? Bằng cách nào mà mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến kết quả xin việc được?
Thực ra là có đấy, chính cách bạn thể hiện mình trên mạng xã hội sẽ bộc lộ một phần tính cách và con người bạn bên ngoài khuôn khổ nơi làm việc.
Đó không hẳn là thước đo trình độ, nhưng sẽ là một cơ sở để phán đoán độ thích hợp lý tưởng đối với văn hóa làm việc của công ty - chẳng hạn như những thói quen xấu hoặc hành vi ăn nói không đúng mực.
Tò mò không biết họ sẽ nhìn vào thứ gì đầu tiên khi đang "stalk" trang cá nhân của mình? Cùng đi tìm hiểu xu hướng ở từng mạng xã hội sau:
1. FACEBOOK: "About me" và "Photos"
Theo chuyên gia nghiên cứu tuyển dụng Hallie Crawford, các công ty thường sẽ tập trung vào 2 phần trên trang cá nhân Facebook của bạn đầu tiên: "About me" (Giới thiệu) và "Photos" (Ảnh).
Ai cũng có phần "About me" chi tiết, lại còn toàn những thành tích sáng giá như thế này thì tốt biết bao.
"About me": Họ sẽ xem liệu bạn có cung cấp thông tin và miêu tả về bản thân như thế nào, và đối chiếu với những gì bạn ghi trong bản hồ sơ đã gửi trước đó.
Những gì họ thấy càng trung thực và đầy đủ thì sẽ càng giúp bạn có thêm lợi thế - vừa tỏ ra là mình chân thành, vừa cho thấy sự tỉ mỉ và cẩn thận. "Và nhớ đừng ghi sai chính tả nhé," Crawford chia sẻ.
"Photos": Không chỉ có nội dung ảnh, mà cả chú thích đi kèm theo cũng sẽ được để ý. Ảnh đúng mực thì không sao, nhưng giả như một công ty luật đang dò xét mà lại thấy vài bức ảnh "ăn chơi" quá lố được tag bởi bạn bè thì sẽ không có kết cục tốt đẹp cho buổi phỏng vấn đâu.
2. TWITTER: "Follower" và "Tweets"
"Followers": Đây là danh sách những người mà bạn đang theo dõi trên Twitter, và khá bất ngờ khi nhiều nhà tuyển dụng có xu hướng nhìn vào khía cạnh này hơn.
Thực chất, họ không hề muốn biết bạn "sành điệu" và hợp thời với thế hệ hiện tại ra sao, mà chỉ định xem liệu cả 2 có quen biết chung một ai đó hoặc bạn có tiếp cận nhiều người trong ngành từ trước không.
Dù cho bạn chưa chắc đã được nhận, nhưng làm vậy cũng sẽ đem lại nhiều cái nhìn cận cảnh hơn về công việc tương lai của mình, nên hãy cân nhắc nhé.
"Tweets":Đây thực chất là những dòng trạng thái, không khác gì status của Facebook cả. Crawford khuyên nhiều bạn nên chia sẻ nhiều hơn những thông tin liên quan đến chuyên ngành tương lai, thay vì chỉ đắm chìm trong những câu chuyện phiếm không hơn không kém.
Ngoài ra, hãy nhớ "cẩn tắc vô áy náy", soát lại một lượt xem mình có lỡ mồm để lộ vài từ nhạy cảm không rồi xóa chúng đi nhé.
3. INSTAGRAM: "Followers" và "Pictures"
"Followers": Tương tự như Twitter, đây cũng là phương diện tiên quyết để nhiều người nhìn vào. Ngoài việc xem mạng lưới mối quan hệ của bạn lớn hay nhỏ, họ còn để mắt tới cả cách xử lý và lượng tương tác nữa, chứ không hẳn là follow cho vui.
Phần bình luận trong các bài đăng của mỗi bên chính là nơi để họ thu nhặt những thông tin cần thiết, để lộ tính cách và con người của bạn.
Sự nổi tiếng không phải là thứ họ nhìn vào, mà là cách bạn tận dụng mối quan hệ.
"Pictures": Không khó để đoán ra, vì Instagram hoạt động đơn giản hơn nhiều mạng xã hội khác nên phần ảnh đăng của mỗi người chính là nơi thích hợp nhất để tạm đánh giá một ai đó.
Dĩ nhiên, thứ được đánh giá ở đây không đơn thuần là kỹ năng chụp ảnh có "ảo" hay không, mà là cách bạn thể hiện cá tính của mình. Có thể nó không nói lên trình độ chuyên môn, nhưng sẽ là một mảnh ghép để xét xem bạn có thích hợp với văn hóa công ty hay không.