Những ngày qua giới trẻ Việt không ngừng chia sẻ những câu chuyện, những quan điểm trong cách giáo dục trẻ nhỏ của GS Hồ Ngọc Đại trong bài phỏng vấn trên báo Trí Thức Trẻ. Không chỉ hào hứng, quan tâm với những quan điểm của giáo sư mà các bạn trẻ còn tỏ ra thích thú vì họ như thấy được hình bóng thầy hiệu trưởng nổi tiếng Kobayashi Sosaku thông qua hình ảnh của ông.
Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku là một nhân vật xuất hiện trong cuốn truyện "Totto-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ" của nữ nhà văn Nhật, Kuroyanagi Tetsuko. Với những độc giả yêu mến cuốn truyện này thì chắc chắn không khỏi ấn tượng với cách người thầy hiệu trưởng ấy dạy dỗ, trò chuyện với học sinh của mình.
Trong ngày đầu tiên Totto-chan chuyển đến trường Tomoe Gakuen (trường Tomoe), thầy Kobayashi đã ngồi rất lâu để nghe cô bé 6 tuổi ấy kể hết chuyện này tới chuyện khác diễn ra xung quanh cuộc sống của cô bé. Đó đều là những câu chuyện rời rạc, rất ngô nghê đáng yêu.
Không tỏ ra uể oải, chán nản mà thầy Kobayashi còn thỉnh thoảng nhướng người lên phía trước để nghe cô bé kể chuyện rõ hơn. Thái độ của thầy càng khiến Totto-chan muốn được nói nhiều hơn, kể nhiều hơn nữa, vì đây cũng là lần đầu tiên có người lắng nghe cô bé kể chuyện nhiều đến thế.
Ở trường học của thầy Kobayashi - nơi bọn trẻ học không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng. Và những học sinh của trường sau này đều trở thành những người tử tế trong xã hội.
Nhiều người so sánh GS.Hồ Ngọc Đại với hình ảnh thầy hiệu trưởng Kobayashi trong cuốn "Totto-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ".
GS Hồ Ngọc Đại cũng vậy, ông cũng dành nhiều thời gian để quan sát, trò chuyện để biết học sinh của mình muốn gì, thích gì, được nói lên suy nghĩ của chính mình vì ông cho rằng mọi đứa trẻ đều phải được yêu thương và tôn trọng, được hạnh phúc.
"Tôi quan niệm rằng, thời gian là thứ duy nhất trên đời này không lấy lại được, nên mọi khoảnh khắc trôi qua với lũ trẻ, tôi đều không muốn lãng phí. Tôi muốn để lũ trẻ cảm nhận cuộc sống theo mọi cách...
Ở trường Thực nghiệm, tôi chỉ treo duy nhất một khẩu hiệu – cũng là kim chỉ nam của trường Thực nghiệm: "Học tập là hạnh phúc. Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui".
Hồi đó, ngày nào tôi cũng ra đứng trước cổng trường mỗi giờ tan học, gặp từng phụ huynh và hỏi: "Hôm nay con anh chị đến trường có vui không?", GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ trên Trí Thức Trẻ.
"Giấc mơ của những đứa trẻ từng ôm ấp cuốn Tottochan là gặp được thầy Kobayashi khác thường như thế"
Không chỉ so sánh sự giống nhau giữa GS Hồ Ngọc Đại và thầy Kobayashi mà nhiều người còn bày tỏ mong ước từ những ngày còn bé, những ngày còn ôm ấp cuốn "Totto-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ", đó là được gặp một người thầy mộc mạc, khác thường như người thầy hiệu trưởng ấy.
Chia sẻ của một dân mạng.
"Vì mình thích triết lý giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại. Nó rất gần với cái mình mong muốn dành cho con mình, để con lớn lên được là một đứa trẻ Hạnh phúc. Cám ơn ông Hồ Ngọc Đại- một nhà giáo dục khiến tôi nhớ đến Hiệu trưởng Kobayashi Sosaku của trường Tomoe", facebook Nguyễn Dũng Minh bình luận.
"Tôi nhớ lại nhiều chi tiết trong cuốn truyện gối đầu giường tuổi thơ của mình: Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ" (Nhật Bản). Chẳng có gì tuyệt diệu hơn là để các em thỏa sức chơi đùa và được tự do thổ lộ những tâm tư tình cảm hồn nhiên, ngộ nghĩnh của mình. Đừng bao giờ ngăn cản chúng nhé! Bởi trong mỗi chúng ta đã từng có một thời như thế cơ mà!
Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku đã hiện ra trong câu chuyện dạy tiếng Việt những ngày gần đây ở Việt Nam", facebook Trinh Lê Anh bình luận.
"Đọc những chia sẻ của GS Hồ Ngọc Đại, mình thấy quan điển giáo dục của thầy Đại giống thầy hiệu trưởng trong truyện "Totto-chan bên cửa sổ" của Testuko -Nhật Bản - từng làm mình mê mẩn một thời. Vừa rồi vào hiệu sách bất chợt nhìn thấy nên phải mua ngay.
Những học trò được học trong một môi trường có thầy hiệu trưởngKobayashi Sosaku không bao giờ chê học sinh kém cỏi, mà với thầy ai cũng có những điểm mạnh của riêng mình, thầy yêu quí tất cả những học sinh cá biệt của mình.
Thầy chẳng ép học sinh học bất cứ môn gì, mà chúng nó thích ắt sẽ tự khám phá. Trường học cả phụ huynh và học sinh không nặng trĩu những lo âu, không oằn lưng cõng đống sách vở, không miệt mài làm bài tập hằng đêm, không có những điểm 10 tròn trịa, không mải mê chạy theo thành tích.
Nhưng tất thảy đều thành công, kể cả cô bé Totto-chan cũng vậy. Totto-chan nói với mẹ mỗi ngày đến trường là một niềm vui- khẩu hiệu của trường Thực nghiệm cũng vậy", chia sẻ của facebook Hải Lý.