Thị trường smartphone dường như chỉ còn cuộc cạnh tranh để giành vị trí thứ ba sau Samsung và Apple. Huawei đang cố gắng giành lấy vị trí này, với các thành công của họ khi tiến vào thị trường châu Á, châu Âu và thậm chí cả Mỹ. Nhưng trước khi có thể giành lấy vị trí đó, họ lại phải chiến thắng một đối thủ vô danh khác: BBK Electronics.
BBK là một tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc, sở hữu một số thương hiệu thiết bị điện tử tiêu dùng nổi tiếng trên nhiều thị trường khác nhau, bao gồm cả headphone, đầu đĩa Blu-ray, và cả smartphone nữa. Họ sở hữu hai thương hiệu điện thoại lớn và một thương hiệu đang được ưa chuộng: Oppo, Vivo và OnePlus.
Vậy BBK là ai?
BBK Electronics đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc từ những năm 90. Công ty hiện đang được vị tỷ phú kín tiếng Duan Yongping dẫn dắt.
Sau thành công trong việc thu được hơn 1 tỷ NDT từ máy chơi game cầm tay Subor, đối thủ của Nintendo Entertainment System, Duan rời khỏi vị trí của mình tại một nhà máy Trung Quốc vào năm 1995.
Sau đó ông bắt đầu thành lập công ty Bubugao, và tiền thân của BBK hiện tại. Công ty hiện sở hữu nhiều nhà máy trên diện tích hơn 10 hecta đất với hơn 17.000 nhân viên.
BBK bắt đầu từ việc sản xuất hàng loạt các máy nghe nhạc CD, MP3 và đầu đĩa DVD, cùng với đó là các sản phẩm gia dụng, sau đó sẽ được xuất hiện dưới tên tuổi nhiều thương hiệu toàn cầu.
Vào năm 2004, ông Duan thành lập Oppo với CEO Tony Chen. Oppo xây dựng dựa trên kinh nghiệm của ông Duan để tham gia vào thị trường video bằng cách bán đầu đĩa DVD và Blu-ray, trước khi chuyển sang thị trường smartphone.
Vivo xuất hiện sau đó một chút vào năm 2009, và do ông Duan và CEO Vivo, Shen Wei, sáng lập nên. Chiếc smartphone đầu tiên của Vivo xuất hiện vào năm 2011 với trọng tâm hướng vào các yếu tố hình thức siêu mỏng, trong khi dựa vào sự xuất hiện của những người nổi tiếng để tận dụng cơn bùng nổ smartphone.
Trong khi đó, OnePlus, thương hiệu này của BBK dường như quen thuộc với thị trường phương Tây hơn, lại không phải do ông Duan gây dựng.
Nó được cựu phó chủ tịch của Oppo, ông Pete Lau và đồng sáng lập Carl Pei thành lập vào năm 2013, và là một công ty con của Oppo. Điều này có nghĩa là nó vẫn thuộc sở hữu của công ty mẹ BBK.
OnePlus được xem như thương hiệu cao cấp nhất trong bộ ba thương hiệu smartphone này, tuy nhiên, nó cũng có cách tiếp cận khác với mô hình kinh doanh dựa vào bán lẻ như của Oppo và Vivo. OnePlus chủ yếu nhắm đến việc bán hàng online thông qua các nền tảng như Amazon, để giúp BBK xâm nhập vào thị trường châu Âu và Mỹ.
Thứ hai hay thứ ba, phụ thuộc vào việc bạn hỏi ai
Đối với thị trường smartphone, BBK thực sự là một công ty lớn, dù phần lớn người tiêu dùng chưa bao giờ nghe nói về họ. Trong khi Oppo và Vivo từ lâu đã là những thương hiệu lớn, không chỉ trên thị trường smartphone Trung Quốc mà còn cả quốc tế.
Ở Trung Quốc, Oppo và Vivo đã vượt qua được tốc độ tăng trưởng từng được cho là bất khả chiến bại của Xiaomi, bằng cách xây dựng một mạng lưới các cửa hàng tại địa phương, trong khi đối thủ của họ chỉ tập trung vào bán qua kênh online.
Apple và Samsung đều gặp khó khăn để bắt kịp với cách cạnh tranh đầy tốn kém của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc, bao gồm cả mạng lưới của BBK.
Theo Counterpoint Research, Huawei là thương hiệu riêng lẻ lớn nhất Trung Quốc với 20,2% thị phần, nhưng cả Oppo và Vivo đều đang bám rất sát phía sau với 18,8% và 17% thị phần tương ứng.
Kết hợp lại, các thương hiệu smartphone do BBK sở hữu hiện chiếm đến 35,8% thị phận, một vị trí dẫn đầu khá cách biệt với người thứ hai trên thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Thị phần smartphone tại Trung Quốc theo Counterpoint Research.
Trở lại với tầm nhìn trên toàn cầu. Trong quý Một năm 2017, hãng nghiên cứu Gartner cho rằng Oppo đã xuất xưởng được khoảng 30,9 triệu smartphone, và Vivo không xa phía sau với khoảng 25,8 triệu smartphone.
Tổng cộng là khoảng 56,7 triệu smartphone. Để so sánh, cùng thời kỳ đó, Samsung xuất xưởng được 78,6 triệu smartphone, và Apple là 51,9 triệu. Như vậy, theo Gartner, trong quý Một 2017, BBK thực sự xuất xưởng nhiều smartphone hơn cả Apple – một vị trí thứ hai xứng đáng.
Một báo cáo tương tự do IDC cung cấp cũng chỉ ra bức tranh cận cảnh hơn, nhưng với Apple vẫn dẫn đầu với một cách biệt nhỏ.
Theo dữ liệu của IDC, quý Một 2017, Samsung chiếm 23,3% thị phần toàn cầu, Apple chiếm 14,7%, Huawei là 10%, Oppo 7,5% và Vivo 5,5%.
Kết hợp cả hai công ty, BBK có thị phần đến 13%, đưa công ty lên vị trí thứ ba sau Apple, nhưng trước Huawei. Thị phần của OnePlus không chiếm đến 1% doanh số toàn cầu, vì vậy không đem lại nhiều khác biệt trong bảng xếp hạng.
Các ước tính trên thị trường luôn có một sai số nhất định, nhưng dữ liệu trên cho thấy cuộc đua quyết liệt đang diễn ra giữa Apple và BBK. Nếu thêm cả Huawei vào cuộc đua đó, ta sẽ thấy một cuộc đua tam mã giữa ba công ty lớn để thu hẹp khoảng cách với Samsung.
Đó là bức tranh hoàn toàn khác nếu so với việc nhìn vào riêng lẻ từng thương hiệu, để sắp xếp thứ tự một hai ba một cách đơn giản.
Thị phần smartphone toàn cầu năm 2016 - 2017.
Nhìn về phía trước
BBK Electronics dường như không hài lòng với vị thế dẫn đầu ở Trung Quốc. Gần đây công ty đã vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất lớn nhất ở Ấn Độ, một thị trường tăng trưởng quan trọng. Ngoài ra họ còn có một thương hiệu điện thoại mới, ikoo.
Thương hiệu điện thoại thứ tư này đang nhắm đến việc tận dụng trải nghiệm trong thị trường đồ chơi giáo dục của trẻ em để tạo ra thiết bị giáo dục đầu tiên trên thế giới.
Bằng cách phân tán bản thân qua nhiều thương hiệu khác nhau, BBK đã tìm cách điều chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp với nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Chiến lược này rõ ràng đã được đền đáp tại Trung Quốc. Nhưng vẫn cần thời gian để xem nó có phù hợp với thị trường phương Tây hay không.