Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London đã có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2017. Các sàn chứng khoán tại Châu Âu và Châu Á cũng đua nhau giảm điểm trước sự bất ngờ của giới truyền thông.
Trong vài tuần trở lại đây, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo lạm phát tại nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới sẽ vượt mức mục tiêu 2% để đạt 3%.
Mặc dù tin tức này được nhiều ngân hàng trung ương đánh giá là tốt cho các nền kinh tế phát triển nhưng chúng lại kích thích một đợt bán tháo trên thị trường Mỹ từ cuối tuần trước, nhất là khi số liệu cho thấy tỷ lệ tăng lương bình quân tại Mỹ đạt 2,9%.
Những thông tin trên khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng FED sẽ nâng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế, đồng thời nghi ngờ rằng kỷ nguyên lãi suất rẻ thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư tại Mỹ đã đến hồi kết.
Trong vài tháng qua, nhiều quan chức FED đã tranh luận rằng kế hoạch nâng lãi suất 0,25% tới 3 lần trong năm nay có thể tăng lên 4-5 lần.
Chỉ số công nghiệp Dow John trong 5 phiên vừa qua
Chỉ số S&P 500 trong 5 phiên vừa qua
Chỉ cố chứng khoán Dow John đã giảm 1175 điểm trong khi sàn S&P có phiên giao dịch tệ nhất 6 năm qua. Chỉ số công nghiệp Dow John đã giảm bình quân 1.175,21 điểm, tương đương 4,6% và xuống dưới mức 25.000 điểm. Trong khi đó S&P 500 giảm 4,1% còn Nasdaq giảm 3,78%.
Chỉ số Dollar Index, đo lường giá đồng USD với 1 rổ các đồng tiền chủ chốt, cũng đã tăng lên mức 89,657 điểm. Do đồng USD tăng giá, thị trường dầu thô cũng chịu tác động mạnh. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,99% xuống 64,15 USD/thùng trong khi dầu thô Brent thế giới giảm 1,4% xuống 67,52 USD/thùng.
Theo nhiều chuyên gia, việc kinh tế Mỹ ngày một tốt lên sẽ thúc đẩy việc FED nâng lãi suất để hạ nhiệt đà tăng trưởng nóng.
Trong khi đó, dự luật cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump được Nghị viện thông qua vào mùa Giáng sinh năm trước sẽ khiến kinh tế Mỹ nhận thêm hơn 1 nghìn tỷ USD, chủ yếu dưới dạng cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy FED nâng lãi suất nhanh hơn.
Nhiều tập đoàn cho biết họ sẽ nâng lương cho nhân viên khi được cắt giảm thuế và điều này đồng nghĩa với khả năng lạm phát sẽ tăng thêm.
Trong khi đó, hàng loạt thị trường đang phát triển vay mượn bằng ngoại tệ sẽ gặp khó do lãi suất vay tăng lên. Dẫu vậy, việc nền kinh tế Mỹ hồi phục mạnh cùng đồng USD tăng giá nhiều khả năng sẽ tạo thêm lợi nhuận cho mảng xuất khẩu của các nước đang phát triển.