Đây là một trong những lý do khiến Tết trở thành nỗi ám ảnh

Bảo Nam |

Ngày Tết, quả là một lý do vô cùng hợp lý để mời nhau ly rượu, chai bia. Nhưng văn hóa bia rượu vốn đã tương đối đáng sợ ở Việt Nam, vào dịp Tết còn khủng khiếp hơn gấp bội.

"Những ngày dạ dày ngâm rượu bắt đầu". Anh bạn tôi giật dòng status này trên Facebook trong lúc còn… tỉnh. Anh thuộc dạng khoái tụ tập bạn bè chén chú chén anh, nhưng mỗi dịp Tết đi qua vẫn không khỏi rùng mình vì lượng bia rượu nạp vào người quá nhiều.

Dân thích nhậu luôn coi Tết là một lý do quá hợp lý để uống cho đã đời. Tất niên uống, tân niên uống, giao thừa, mùng 1, gặp họ nội, họ ngoại, bạn cấp 2, cấp 3, bạn hàng  xóm… tất cả những sự kiện này đều được tôn vinh trên bàn nhậu.

Thật ra dân ta vốn thích bia rượu. Quanh năm suốt tháng, bất kỳ sự kiện gì cũng có thể ăn mừng trên bàn nhậu. Nào thì sinh nhật, đầy tháng, tân gia, giao lưu cơ quan, thậm chí có lương, có thưởng, có người yêu, bị người yêu bỏ, cãi nhau với vợ… tất cả đều có thể trở thành lý do để nhậu.

Đây là một trong những lý do khiến Tết trở thành nỗi ám ảnh - Ảnh 1.

Chúng ta có thể tiến tới bàn nhậu vì hàng ngàn lý do khác nhau

 Tôi có anh bạn không bao giờ từ chối bất kỳ cuộc ăn nhậu nào, ấy vậy mà vẫn luôn thòm thèm cảm giác được nâng ly chào mừng một sự kiện gì đó. 

Anh tâm sự, chẳng có dịp nào được phép chào mừng một cách triền miên như Tết cả. Vậy nên anh xác định luôn: Say bắt đầu từ ông công ông táo cho đến… hết Tết.

Dạo gần đây trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều bài viết cho rằng Việt Nam nên dẹp bỏ Tết cổ truyền, chỉ nên ăn Tết tây. Luận điểm được đưa ra hầu như xoay quanh câu chuyện hội nhập, kinh tế, đình trệ sản xuất…

Dư luận cũng chia năm xẻ bảy luồng ý kiến. Có người tán thành, nhưng cũng không ít phản đối. Nhóm phản đối cho rằng, Tết cổ truyền thực tế không liên quan gì đến chuyện kinh tế hội nhập cả. Trái lại giao thương dịp lễ Tết là một cách kích cầu thị trường rất hiệu quả.

Tuy nhiên, trong mắt của những người đơn thuần chỉ muốn ăn một cái Tết đầm ấm bên gia đình, tận hưởng sự sum vầy quanh người thân.

Trong mắt những người vợ, người mẹ thì văn hóa bia rượu kinh hoàng của người Việt dịp Tết cũng là một trong những yếu tố thôi thúc người dân muốn dẹp bỏ Tết cổ truyền.

Đây là một trong những lý do khiến Tết trở thành nỗi ám ảnh - Ảnh 2.

Dọn dẹp mâm bát sau bữa nhậu cũng là nỗi ám ảnh của các bà nội trợ ngày Tết. Ảnh minh hoạ

 Cứ mỗi dịp Tết, lượng tai nạn giao thông liên quan đến câu chuyện quá chén trên bàn nhậu chỉ tăng chứ chưa từng giảm.

Không ai phản đối chuyện uống vài ly rượu trong các bữa tiệc xum vầy bên gia đình, bạn bè cả. Nhưng nhân danh cái Tết, nhiều người tự cho phép bản thân uống vượt ngưỡng của bản thân. Tết chẳng lẽ lại không uống?

Chén rượu, ly bia ở Việt Nam mang trong nó quá nhiều hủ tục. Nó là thước đo lịch sự, hiếu khách; nó còn là cách để người ta thể hiện bản lĩnh đàn ông, thậm chí là thang điểm đánh giá một con người.

Văn hóa ép uống là một trong những cơn ác mộng đáng sợ nhất đối với những người có tửu lượng kém hơn so với mặt bằng chung của cuộc nhậu. Họ thậm chí trở thành đối tượng bị tấn công, và điều đáng sợ là người ta cảm thấy khoái trá khi ai đó gục ngã trên bàn nhậu.

Tôi có anh bạn hàng xóm người Australia, lấy vợ Việt Nam. Năm vừa rồi anh về quê vợ ăn cái Tết đầu tiên ở Việt Nam và như anh khẳng định, thì đó sẽ là cái Tết Việt cuối cùng của anh.

Anh bạn này cho rằng, việc bị họ hàng nhà vợ ép uống rất nhiều loại bia, rượu khác nhau không thể hiện rằng họ hiếu khách hay quý mến gì mình. Bởi cho dù anh đã lịch sự từ chối, nhưng đối phương vẫn ép bằng được. Không uống là giận, không uống bị cho là bất lịch sự, mang tới xui xẻo cả năm.

Đó không phải là cách những người hiếu khách đối xử với khách của họ.

Hơn thế nữa cách người Việt uống bia, rượu cũng khá lệch chuẩn so với thế giới. Những bữa tiệc bia rượu chảy tràn trề thường chỉ tập trung ở giới sinh viên, và nó hay xuất hiện trong những bữa tiệc đậm chất phóng khoáng, quậy là chính.

Còn khi gia đình tề tựu, người ta chỉ rót rượu vang để nhâm nhi cho tăng vị giác, chứ không ai nhậu đến say mềm rồi nằm nhà cả ngày Tết làm gì.

Hơi thở của Tết đã cận kề và nghe trong gió đã thấy phảng phất mùi bia rượu. Một thanh niên sợ văn hóa bia rượu của Việt Nam cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại