Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 2 đã thu về hơn 58 triệu USD, giảm 31,3% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về hơn 142 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của ngành hàng này với hơn 48 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023. Campuchia đứng thứ 2 với hơn 21 triệu USD, giảm 13%, Malaysia là quốc gia đứng thứ 3 với gần 19 triệu USD, tăng 22%.
Mỹ đứng thứ 4 với kim ngạch đạt gần 18 triệu USD, đồng thời Mỹ là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng đến 238% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh Mỹ, các thị trường như Thái Lan, Đài Loan (TQ) cũng tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Tính chung khu vực Đông Nam Á, mặt hàng này thu về hơn 49 triệu USD, giảm nhẹ 0,5% so với năm trước.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt heo số 1 thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới với sản lượng lên tới 240 tấn (năm 2020). Thịt lợn là một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, các gia đình tại nông thôn Trung Quốc vẫn luôn nuôi thả lợn trong vườn nhà mình và coi lợn là một tài sản quý giá. Chính vì nhu cầu nội địa lớn và để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu thức ăn chăn nuôi cùng nguyên liệu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc cũng nhập khẩu một nửa lượng đậu nành trên thế giới, chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi trước nhu cầu khổng lồ từ ngành.
Đối với Việt Nam, trong 10 năm qua, tăng trưởng ngành chăn nuôi của Việt Nam duy trì tốc độ 5-7%/năm. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, sản lượng thức ăn công nghiệp trong năm 2023 ước đạt 20 triệu tấn. Trong đó, thức ăn cho lợn đạt 11,15 triệu tấn (chiếm khoảng 55,7%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 8,17 triệu tấn (chiếm khoảng 40,8%), còn lại là thức ăn cho vật nuôi khác (chiếm khoảng 3,4%).
Nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) của nước ta là rất lớn, tuy nhiên do năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Vì vậy, hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 20 triệu tấn nguyên liệu bao gồm ngô khoảng 7,3 triệu tấn; lúa mì và lúa mạch 1,5 triệu tấn; khô dầu các loại 4,7 triệu tấn...
Cũng do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn chịu tác động từ biến động giá các loại nguyên liệu trên thế giới. Hiện chi phí nguyên liệu TACN chiếm khoảng 85% giá thành của sản phẩm TACN.
Theo Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đặt mục tiêu sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030; đáp ứng tối thiểu 70% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh.