Xem bóng đá nhiều là thế nhưng có bao giờ bạn để ý rằng, thủ môn không bao giờ đứng yên một chỗ không? Họ cứ nhảy tưng tưng 1 chỗ hay di chuyển trong khung thành.
Đặc biệt là trong thời tiết lạnh giá, có tuyết rơi như thế này không chỉ làm giảm chất lượng của các trận bóng đá, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của cầu thủ.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng của ta dù dõi đồng đội của mình "giữ bóng" bên sân đội bạn nhưng vẫn vận động tại chỗ.
Vì sao lại thế?
Chúng ta biết rằng, trời lạnh khiến mạch máu bị thu hẹp, lưu lượng máu đến tim bị giảm, cầu thủ đối mặt với tình trạng hạ thân nhiệt.
Do ảnh hưởng của nhiệt độ thấp, các cơ bắp bị buộc phải làm việc với cường độ cao hơn, đồng nghĩa tiêu tốn nhiều năng lượng của cơ thể hơn để hoàn thành nhiệm vụ mà chúng có thể hoàn thành dễ dàng dưới nhiệt độ trung bình.
Các khớp co lại, các cơ chuyển động kém linh hoạt và dây thần kinh có thể dễ dàng bị siết chặt. Điều này gây ra nhiều thiệt hại cho các mô cơ, tăng nguy cơ chấn thương.
Cơ thể sẽ cần nhiều năng lượng hơn để giữ ấm nhưng thủ môn là những người ít di chuyển nhất trong trận đấu. Điều đó có nghĩa là cơ thể của họ ít được làm nóng nhất để chống lại sự giảm thân nhiệt so với các vị trí khác trên sân.
Chính vì thế, việc giữ cho thân nhiệt không bị giảm sẽ cực kỳ quan trọng. Thủ môn sẽ cần phải đảm bảo không có bất cứ sự gián đoạn nào khiến cơ bắp bị "nguội" đi.
Những lúc này, thủ môn vẫn sẽ tiếp tục vận động để giữ nhiệt độ, như nhảy tại chỗ hay di chuyển tại khung thành quan sát bóng...
Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng đẩy nhanh quá trình mất nước. Dù không đổ nhiều mồ hôi, cơ thể vẫn tiêu hao nước qua hơi thở. Chính vì thế, thi thoảng bạn vẫn thấy cầu thủ uống thêm nước - yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì cân bằng nội môi.
Tuy nhiên, như bạn thấy đấy, với lòng quả cảm của mình, thủ môn Bùi Tiến Dũng vẫn đã bảo vệ khung thành của mình, phá được rất nhiều cú sút hiểm hóc của đội bạn. Một tràng pháo tay cho thủ môn Bùi Tiến Dũng, và cho đội tuyển Việt Nam của ta.