Các nhà sản xuất smartphone vẫn đang tiếp tục chạy đua công nghệ camera, với rất nhiều những cải tiến và nâng cấp mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Chúng ta được thấy những chiếc smartphone có khả năng zoom đáng kinh ngạc, chụp ảnh ban đêm cực kỳ ấn tượng, cũng như độ phân giải tiếp tục được tăng lên đáng kể.
Huawei và Xiaomi đều đã ra mắt những chiếc smartphone flagship trang bị cảm biến 48MP cao cấp nhất của Sony. Nhưng chưa dừng lại ở đó, mới đây Qualcomm cho biết những chiếc smartphone với camera 64MP và 100MP sẽ sớm ra mắt vào cuối năm nay.
Thế nhưng một chiếc smartphone với camera 100MP có thể không phải là ý tưởng tuyệt vời. Và đây là lý do.
Camera độ phân giải cao trên smartphone có giúp chụp ảnh đẹp hơn?
Cảm biến camera trên smartphone luôn phải được thiết kế rất mỏng và nhỏ gọn, để có thể vừa với thiết kế của những thiết bị di động hiện nay. Chính điều đó khiến cho độ phân giải của cảm biến luôn bị hạn chế so với những chiếc DSLR chuyên nghiệp.
Dẫn tới việc các nhà sản xuất cảm biến phải quyết định chọn một trong hai thứ. Đó là sử dụng nhiều pixel với kích thước nhỏ hơn, giúp độ phân giải cao hơn nhưng chụp ảnh thiếu sáng lại kém hơn. Hoặc sử dụng ít pixel nhưng kích thước mỗi pixel lớn hơn, làm giảm độ phân giải nhưng lại chụp thiếu sáng tốt hơn.
Những năm gần đây, các nhà sản xuất đã tìm ra được một giải pháp. Đó là sử dụng nhiều pixel nhỏ, nhưng có thể kết hợp dữ liệu của 4 pixel thành một super pixel. Về cơ bản sẽ làm giảm độ phân giải xuống bằng ¼ độ phân giải tối đa của cảm biến, nhưng có thể chụp trong điều kiện thiếu sáng với chất lượng tốt hơn.
Cảm biến IMX586 48MP mới nhất của Sony chính là một ví dụ áp dụng công nghệ pixel-binning này. Trên cảm biến này, kích thước các pixel chỉ là 0,8 micromet.
Nhưng khi sử dụng pixel-binning, chúng ta sẽ có những bức ảnh với chất lượng tương đương cảm biến 12MP, kích thước pixel 1,6 micromet.
Vì vậy độ phân giải của cảm biến camera trên smartphone vẫn mang một ý nghĩa tương đối. Chúng ta vẫn phải chấp nhận đánh đổi nếu muốn có một bức ảnh đẹp, đặc biệt là trong những điều kiện ánh sáng không tốt. Một bức ảnh không đủ sáng thì cho dù độ phân giải có cao đến mấy cũng vô nghĩa.
Vì sao camera 100MP trên smartphone lại không phải là một ý tưởng tuyệt vời?
Thách thức lớn nhất khi tạo ra camera 100MP trên smartphone, đó là phải làm sao nhét được một số lượng lớn pixel lên trên cảm biến camera. Giải pháp đơn giản là tăng kích thước cảm biến, nhưng đồng nghĩa với việc thiết kế smartphone sẽ trở nên dày hơn và xấu xí hơn.
Giải pháp thứ hai là tiếp tục giảm kích thước của mỗi pixel, và sử dụng pixel-binning để tăng chất lượng ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng. Nhưng với cùng kích thước cảm biến, mà số lượng pixel tăng từ 48MP lên 100MP, thì kích thước mỗi pixel cũng phải giảm gần 2 lần.
Cảm biến 100MP với kích thước pixel 0,3 - 0,4 micromet, về cơ bản sẽ cho chất lượng tương đương với cảm biến 25MP với kích thước pixel 0,6 - 0,8 micromet. Về lý thuyết thì chất lượng ảnh chụp sẽ còn kém hơn cả cảm biến Sony IMX586 48MP kể trên. Vậy thì sử dụng cảm biến camera 100MP trên smartphone để làm gì?
Rắc rối lớn với bộ nhớ
Khi chụp ảnh với camera 100MP trong điều kiện lý tưởng, bạn vẫn sẽ gặp phải một rắc rối lớn với kích thước file ảnh. Camera 40MP trên smartphone Huawei có thể cho ra file ảnh với kích thước 7 - 15MB. Vì vậy nếu bạn chụp ảnh với độ phân giải 100MP, kích thước file có thể lên tới 30MB mỗi bức ảnh.
Đó là chưa kể tới việc chụp ảnh với định dạng RAW. Huawei Mate 20 Pro chụp ảnh với định dạng DNG có thể có kích thước lên tới 80MB. Vì vậy một bức ảnh RAW được chụp bởi camera 100MP chắc chắn sẽ có kích thước khổng lồ, khiến cho bộ nhớ trên smartphone nhanh chóng bị lấp đầy.
Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là camera 100MP trên smartphone sẽ không mang lại lợi ích gì. Với một bức ảnh có độ phân giải cao, bạn có thể dễ dàng phóng to mà vẫn giữ các chi tiết sắc nét. Nhưng chúng ta cũng đã có những chiếc smartphone với khả năng zoom rất ấn tượng rồi phải không?
Chính vì vậy mà camera 100MP trên smartphone có vẻ như sẽ không phải một ý tưởng tuyệt vời, it nhất là đối với những công nghệ hiện tại.
Tham khảo: androidauthority