Lần đầu tiên trong lịch sử, New Zealand tuyên bố một kế hoạch táo bạo nhằm loại bỏ chuột, chồn ecmin và thú có túi Possum. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn thảm họa sinh thái, bảo vệ các loài đặc hữu tại quốc đảo này.
Vẹt Kakapo.
Maggie Barry, Bộ trưởng Bộ Bảo tồn New Zealand nói rằng: "Những sinh vật bản địa độc đáo là bản sắc trung tâm của đất nước chúng tôi."
"Chúng đã tiến hóa hàng triệu năm trong môi trường không có động vật có vú, kết quả là rất dễ bị tấn công bởi các loài thú săn mồi. Mỗi năm có khoảng 25 triệu con chim bản địa bị giết."
Kế hoạch táo bạo tận diệt loài chuột
Đến năm 2025, chính phủ New Zealand hy vọng sẽ ngăn chặn hoặc loại bỏ các loài thú săn mồi xâm lấn trên 1 triệu héc ta đất liền, và loại bỏ hoàn toàn các loài thú ngoại lai khỏi các đảo bảo tồn thiên nhiên của đất nước này.
Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch vào năm 2050, chủ yếu thông qua sử dụng rộng rãi các loại bẫy và mồi nhử có độc. Tuy nhiên, New Zealand sẵn sàng đổi mới, trở thành đất nước đi đầu trong việc áp dụng các phương pháp mới để tiêu diệt các loài thú xâm lấn.
Chim Kiwi.
Holly Jones, nhà sinh vật học tại Đại học Bắc Illinois (Mỹ) cho rằng đây là một chính sách lớn và táo bạo. Nếu New Zealand có thể đạt được mục tiêu đó, rất nhiều loài sẽ được bảo tồn tốt hơn.
Kế hoạch này đại diện cho lợi ích của những loài chim biểu tượng của quốc gia. Trong đó có chim kiwi, hiện tại còn dưới 70.000 cá thể trong tự nhiên, và loài vẹt Kakapo, một loài vẹt không biết bay đang bên bờ vực tuyệt chủng, khi chỉ còn 126 cá thể vào năm 2014.
Những loài thú đến New Zealand trên những con tàu của người châu Âu. Trong hàng thế kỷ, chúng đã ăn thịt vô tội vạ các loài chim và dơi bản địa, vốn chỉ biết đi bộ và dễ bị tổn thương.
"Những sinh vật mà con người đem chúng đến nơi chúng không thuộc về, là nguyên nhân gây thiệt hại to lớn cho các loài động vật và thảm thực vật bản địa."
Micheal Brooke, chuyên gia phụ trách các loài chim tại Bảo tàng Động vật học Đại học Cambrigde cho rằng: "Đó là trách nhiệm của chúng ta để làm mọi điều đúng nhất có thể."
Loài thú nhỏ, thách thức lớn
Nhưng diệt trừ loài ngoại lại trên cả một đất nước là điều không dễ dàng. Ví dụ, tiêu diệt gần hết một loài thôi là chưa đủ, vì một số loài, tiêu biểu như chuột, có thể khôi phục số lượng với tốc độ khủng khiếp.
Chúng gây thiệt hại to lớn cho động vật bản địa.
Tại một khu vực thuộc Quần đảo Pitcairn, Nam Thái Bình Dương, Brooke và các cộng sự đã từng giảm số chuột ở đây xuống còn 80 con. Nhưng chúng sinh sản nhanh chóng, bùng nổ đến hơn 100.000 con.
Hơn nữa, chính phủ New Zealand thừa nhận rằng, không phải tất cả các công nghệ cần thiết cho kế hoạch này đã được phát minh. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ sẵn sàng tài trợ cho các dự án nghiên cứu.
Brooke cho biết: "Tính đến năm 2016, mục tiêu chưa thể đạt được, chúng tôi không có các công nghệ chuyên môn để làm những gì hy vọng vào năm 2050. Tuy nhiên, công nghệ này đang phát triển nhanh chóng và chắc chắn sẽ xuất hiện trong 20, 30 năm kể từ bây giờ."
Với quy mô đáng kinh ngạc trong kế hoạch của New Zealand, nó không giống bất kỳ điều gì từng được thực hiện.
New Zealand hy vọng loại bỏ hoàn toàn những loài động vật này vào năm 2050.
Năm 2015, các nhà sinh vật học loại bỏ thành công loài chuột khỏi Đảo Nam Georgia ở Nam Đại Tây Dương. Đây là đảo rộng nhất từng được diệt toàn bộ chuột.
Tuy nhiên, diện tích của Đảo Nam Georgia chỉ bằng 3% diện tích đảo phía Nam của New Zealand và có rất ít người sống ở đây.
Holly Jones cho rằng: "Thật khó có thể tưởng tượng được họ sẽ làm thế nào với quy mô như vậy. Nhưng nếu có nước nào làm được điều này, đó chắc chắn là đất nước của Kiwi."