Trong chúng ta, rất ít người chấp nhận được chuyện ngoại tình. Theo một khảo sát vào năm 2017, chỉ có khoảng 9% người Mỹ coi ngoại tình là điều chấp nhận được về mặt đạo đức mà thôi.
Nghĩa là đa số chúng ta rất ghét sự phản bội, và càng không chấp nhận được điều đó xảy ra với mình. Nhưng điều này cũng dẫn đến việc vì bạn không ngoại tình nên sẽ khó mà hiểu được lý do vì sao người khác lại làm thế. Tại sao người ta có thể bất chấp tất cả mà từ bỏ mối quan hệ đang ổn định để tiến tới một người xa lạ? Thậm chí là hẹn hò nhiều người một lúc?
Nếu cảm thấy khó hiểu quá, hãy để khoa học giải thích cho bạn. Theo như một nghiên cứu tâm lý học mới đây, các chuyên gia cho biết có một kiểu tính cách khiến cho con người ta có xu hướng và mong muốn phản bội cao hơn.
Đó là nét tính cách "tự yêu bản thân" - Narcissism
Narcissism có thể hiểu đơn giản là kiểu tính cách khiến người ta rất coi trọng bản thân - cả về ngoại hình lẫn tâm hồn. Người ái kỷ thích ngắm mình trong gương và luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên, thậm chí lợi dụng người khác để đạt được những gì mình muốn.
Những người ái kỷ luôn cảm thấy những quy tắc thông thường không nên áp dụng cho mình, và mong muốn của họ phải được đặt trên tất cả. Họ cũng tự ý thích được bản thân phải ở mức trên trung bình - từ nhan sắc, nét cuốn hút, đến trí tuệ.
Đó là nét tính cách của một người ái kỷ - theo định nghĩa của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ. Và theo như các chuyên gia, người ái kỷ thực sự có đủ các đặc điểm để dễ dàng ngoại tình hơn.
"Những người luôn nghĩ về hạnh phúc của bản thân và coi trọng ham muốn của mình thực sự rất dễ ngoại tình," - Jacqui Manning, bác sĩ tâm lý tại Sydney cho biết.
Trong một nghiên cứu vào năm 2014, các chuyên gia đã từng xem xét mối liên hệ giữa ngoại tình và tính cách "ái kỷ tình dục" (nghĩa là một người luôn tự tin về khả năng giường chiếu, và chỉ coi trọng cảm xúc của bản thân khi đang "ân ái"). Nghiên cứu được thực hiện trên 135 cặp đôi, và kết quả cho thấy những người có nét tính cách như vậy cũng thường dễ phản bội hơn.
Người ái kỷ sẽ không hiểu tại sao phải hy sinh vì hạnh phúc của người khác
Theo Carmen McGuinness - nhà phân tích hành vi, những người tự yêu bản thân luôn có ham muốn tình dục cao, nhưng đồng thời sẵn sàng ngủ với bất kỳ ai mà không cần có sự ràng buộc về tình cảm.
Cô giải thích rằng những người này thường gặp vấn đề trong giao tiếp và giải quyết vấn đề liên quan đến mình, và nó khiến tình trạng mối quan hệ của họ gặp nhiều áp lực. Điều này cũng tương tự với các câu chuyện ngoại tình chúng ta thường nghe: khi một trong hai bắt đầu có sự tách biệt với người còn lại, nhiều khả năng họ đang có mối quan hệ bên ngoài.
Có hẳn một chứng bệnh liên quan đến ái kỷ, và nó giúp họ thấy ổn khi ngoại tình
Đó là hội chứng rối loạn ái kỷ quá mức - (NPD- Narcissistic Personality Disorder). Ở những người này, sự yêu bản thân của họ ở một mức độ khác. Họ rất thiếu đồng cảm, luôn muốn được ngưỡng mộ, muốn được làm trung tâm của thế giới, muốn kiểm soát tất cả và đòi hỏi thì rất cao.
Tất nhiên, chúng ta cần hiểu rằng không phải ai ngoại tình cũng mắc chứng ái kỷ. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy người mắc NPD có tỷ lệ phản bội cao hơn.
"Không phải ai ngoại tình cũng yêu bản thân, nhưng người có các đặc điểm tính cách như vậy có rủi ro cao hơn," - tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne, giáo sư khoa tâm lý học tại ĐH Massachusetts Amherst (Hoa Kỳ) cho biết.
Đối với một người ái kỷ, chỉ sống chung thủy không phải là thứ giúp duy trì mối quan hệ. Họ cần được ngưỡng mộ, được coi trọng, và vì thế rất dễ nảy sinh ham muốn với một người khác nếu họ đáp ứng đủ. Và tính cách tự yêu cho phép họ tự xóa đi cảm giác tội lỗi gây ra với người bạn đời của mình.
Tham khảo: IFL Science, Science Alert