Với sự phát triển của công nghệ và y tế, tuổi thọ trung bình của nhân loại hiện nay rơi vào khoảng 79 tuổi. Nhìn chung thì dù có những bô lão tuổi ngoài 100, "chỉ cần" 80, 90 tuổi thôi với con người đã được xem là rất thọ rồi.
Có điều nếu không có bất kỳ tác động ngoại cảnh nào, nhiều loài vật trong tự nhiên có tuổi thọ cao hơn loài người rất nhiều. Như rùa biển, chúng có thể sống hơn 100 năm. Cá voi thì thậm chí còn lên tới 150 năm. Nhưng có lẽ bạn chưa biết, trên đời tồn tại một loài vật có tuổi thọ vượt ngoài sức tưởng tượng - hơn 1/2 thiên niên kỷ (tức là hơn 500 năm), và thậm chí chúng vẫn đang tiếp tục sống.
Chào mừng bạn đến với những con cá mập tại Greenland - con "quái vật" về tuổi thọ trong thế giới tự nhiên.
Cá mập Greenland - quái vật sống qua hàng hàng trăm năm
Những con "quái vật không tuổi"
Trên thực tế, cá mập vốn nằm trong số những loài được xem là "hóa thạch sống", bởi những con cá mập đầu tiên xuất hiện trên đời từ cách đây khoảng 450 triệu năm. Chúng đã trải qua đến 5 lần đại tuyệt chủng - bao gồm cả sự kiện tàn sát toàn bộ khủng long. Bản thân mỗi loài cá mập đều có tuổi thọ hết sức ấn tượng - như cá mập trắng khổng lồ có thể lên tới 70 năm.
Riêng cá mập Greenland lại là một điều đặc biệt. Thuộc họ "cá mập ngủ" (sleeper shark), cá mập Greenland là loài săn mồi đáng sợ nhất vùng cực Bắc, với kích cỡ ngang ngửa cá mập trắng. Vấn đề là chúng có tuổi thọ thực sự rất kinh khủng. Năm 2017, các nhà khoa học phát hiện ra một con cá mập Greenland với tuổi thọ được xác nhận khi đó là... 512 năm, xác lập kỷ lục loài vật có xương sống thọ bậc nhất Trái đất hiện nay.
Trên thực tế, việc theo dõi cá mập Greenland là điều không dễ dàng, do đó khoa học có rất ít thông tin về loài vật này. Năm 2017, khoa học tình cờ thu được những thước phim và hình ảnh hiếm hoi của cá mập Greenland nhờ gắn camera lên một số sinh vật khác, qua đó giải đáp được rất nhiều điều khó hiểu đằng sau loài vật này.
Bí mật đằng sau độ tuổi "khủng"?
Để xác định được độ tuổi của cá mập Greenland không thể dùng các biện pháp bình thường. "Thông thường, phương pháp xác định tuổi của các loài liên quan đến việc đếm số vòng trong các cấu trúc bị vôi hóa - như xương sống," - trích lời Brynn Devine, nhà hải dương học từ ĐH Windsor (Canada). "Nhưng nếu tốc độ sinh trưởng của chúng không giống như dự đoán, phương pháp này sẽ không còn hiệu quả."
"Với cá mập Greenland cũng vậy. Phương pháp này không có tác dụng!"
Thay vào đó, Devine và các nhà khoa học phải lợi dụng phương pháp tính phóng xạ carbon. Được biết, nồng độ bức xạ carbon trong mắt cá mập có thể tiết lộ độ tuổi, qua đó xác định chúng là loài có xương sống thọ nhất hiện nay. Thậm chí cũng chính nhờ cá mập Greenland mà phương pháp xác định niên đại bằng bức xạ carbon dần được giới khoa học công nhận hơn.
Mắt của cá mập Greenland có chứa chìa khóa để tiết lộ độ tuổi của chúng
Tuy nhiên phương pháp xác định bằng phóng xạ carbon lại có sai số khá lớn. Trong trường hợp của con cá mập năm 2017, độ tuổi của nó thực chất được ghi nhận là 392, với sai số lên tới 120 năm. Vậy nên có thể hiểu con cá này lúc đó 392 tuổi, và tối đa là 512 tuổi.
Một lý do khiến tuổi thọ của cá mập Greenland cao đến đáng sợ như vậy nằm ở tốc độ sinh trưởng hết sức chậm chạp. Được biết, quá trình trưởng thành của cá mập Greenland cái có thể lên tới 134, thậm chí là 150 năm. Để dễ so sánh thì con người sống thọ nhất được công nhận cho đến lúc này là bà Jeanne Calment - thọ 122 tuổi. Là bô lão của loài người, nhưng so với cá mập Greenland thì thực chất vẫn còn non nớt.
Nhưng nhìn chung, việc sống lâu cũng không phải điều lợi thế gì cho cá mập. Trong khi những con cá 150 tuổi hết sức đáng sợ nhờ khả năng săn mồi thượng thừa, thì nhóm "cá cụ" lại rất chậm, khó kiếm thức ăn, cơ thể thì dày đặc ký sinh trùng. Chúng thậm chí còn phải ăn xác thối để giải tỏa cơn đói.
Dẫu vậy, cá mập Greenland hiện vẫn đang nằm trong số các loài vật được khoa học hết sức quan tâm, vì nó có thể nắm giữ chìa khóa cho bí ẩn hết sức lâu đời của nhân loại: Bí quyết để trường sinh bất lão!