Thế nào là một cơ thể hoàn hảo? Phải thon gọn, đường cong tuyệt mỹ, 6 múi cơ bắp cuồn cuộn và không một chút mỡ thừa?
Đúng là vậy đấy, nhưng đó là cơ thể hoàn hảo theo quy chuẩn đẹp của thế giới hiện đại thôi. Còn xét trên góc độ sinh học và tiến hóa, cơ thể ấy không hoàn hảo như chúng ta tưởng.
Cơ thể người là một chuỗi những vấn đề
Quá trình tiến hóa để sở hữu một bộ não lớn hơn và xịn hơn so với họ hàng linh trưởng, cộng thêm khả năng bước đi bằng hai chân đã đưa con người lên trên đỉnh chuỗi thức ăn. Nhưng đánh đổi cho điều đó, tạo hóa đã để lại cho con người những lỗi rất lớn mà không dễ gì loại bỏ.
Chẳng hạn, phụ nữ con người là loài duy nhất phải chịu rất nhiều đau đớn khi sinh nở, do xương chậu dần bị thu hẹp lại trong khi hộp sọ của đứa trẻ thì to hơn. Ngoài ra, cột sống hình chữ S của con người cũng được đánh giá là một lỗi tiến hóa, vì cấu tạo ấy không phù hợp để đỡ toàn bộ trọng lượng thân trên, dẫn đến chuyện chúng ta gặp rất nhiều vấn đề về lưng.
Vậy cấu tạo thế nào mới là hoàn hảo?
Theo nhà giải phẫu học Alice Roberts, một cơ thể được đánh giá là hoàn hảo sẽ hoàn toàn chẳng liên quan gì đến tiêu chuẩn cái đẹp ngày nay cả. Thay vào đó, cô tin rằng nếu có thể thay thế những bộ phận thiếu sót bằng những gì phù hợp hơn trên các loài vật khác, mọi chuyện sẽ hoàn toàn thay đổi.
Để biến ý tưởng ấy thành thật, Roberts đã phối hợp cùng một số nghệ sĩ và các nhà sinh vật học khác để xây dựng một mô hình với hình mẫu dựa trên chính cơ thể cô, được đặt tên: Alice Roberts 2.0.
Alice Roberts và
Về cơ bản, phiên bản 2.0 của Roberts vẫn sẽ có dạng người, nhưng được thay đổi sao "hoàn hảo" hơn với những chi tiết hết sức kỳ dị: tai lớn, vểnh như mèo; bụng có túi giống như kangaroo; cùng một đôi mắt to cộ, giống như của loài bạch tuộc.
Việc sở hữu túi trước bụng là ý tưởng mượn từ tập tính của chuột túi: sinh con ngay từ giai đoạn còn cực kỳ nhỏ, rồi nuôi dưỡng trong túi. Điều này làm giảm bớt sự đau đớn và gánh nặng cho phụ nữ khi sinh nở. Và vì nuôi con ngay trong túi, 2 bầu ngực cũng không còn tác dụng nữa.
Đôi chân của "Roberts 2.0" cũng được thay thế theo tỷ lệ giống với đà điểu: cơ bắp tập trung vào khu vực gần xương chậu, nhằm hấp thụ các xung động. Phổi thì lấy từ chim chóc, vì chúng sở hữu cơ chế hấp thụ oxy hết sức hiệu quả.
Cột sống thu ngắn lại, ổn định hơn - ý tưởng từ tinh tinh; và cuối cùng là trái tim của loài chó cùng chuột lang, với khả năng vận chuyển oxy hiệu quả hơn.
"Lấy cảm hứng từ chó, mèo, cá, thiên nga, tinh tinh và các loài động vật thân mềm, cơ thể này sẽ có một quả tim hoạt động tốt hơn (vì có nhiều mạch máu hơn), phổi hiệu quả hơn, không có điểm mù trong tầm nhìn, tai nghe tốt hơn, chân cũng hiệu quả và làn da có khả năng phản ứng tốt với sự thay đổi của ánh Mặt trời." - Roberts chia sẻ trong một bài phỏng vấn với BBC.
Được biết, mô hình này được Roberts xây dựng vào năm 2018, đã được đưa đi một số triển lãm khoa học. Hầu hết các nhà nghiên cứu cũng tỏ ra đồng tình rằng đây là một cơ thể hoàn hảo, chỉ là nó không hợp mắt với bất kỳ ai trong số chúng ta mà thôi.
Còn bạn thì sao? Bạn thấy cơ thể trên đẹp chứ, hay là ghê sợ? Để lại bình luận nhé.