Đây là cách Trung Quốc tranh thủ sự ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19

Xuân Mai |

Thế giới đang nhanh chóng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc hơn bao giờ hết vì vắc-xin trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ cản trở hoạt động cung ứng và Mỹ cố khẳng định vị thế dẫn đầu về tiếp cận vắc-xin.

Trong những tuần qua, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia đông dân nhất thế giới đã tìm kiếm nhiều liều vắc-xin hơn từ Trung Quốc bất chấp những lo ngại về tính hiệu quả của chúng. Nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng hơn nữa nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng vắc-xin của Tập đoàn Sinovac Biotech và Sinopharm của Trung Quốc, qua đó, cho phép các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh tiếp cận chúng thông qua chương trình tiêm chủng toàn cầu COVAX.

Ông Yanzhong Huang, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Trung Quốc, cho rằng: "Trung Quốc không chỉ trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất. Tại nhiều quốc gia, Trung Quốc đã trở thành sự lựa chọn duy nhất".

Sự tin cậy vào Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp vắc-xin đang giúp gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của nước này vào thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phản ứng chậm với đại dịch toàn cầu cũng như dịch bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở Ấn Độ, Brazil và các nơi khác.

Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 tại Ấn Độ góp phần làm cạn kiệt nguồn cung cấp vắc-xin và khiến nhiều nước quay sang Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Mỹ vốn bận rộn thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trong nước đã bị chỉ trích dữ dội vì tích trữ vắc-xin.

Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh trong tuần này rằng Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực hơn. Hôm 5-5, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ trở thành một "kho vũ khí để chống lại dịch Covid-19" trên toàn cầu khi dịch bùng phát ở những nơi khác đặt ra nguy cơ xuất hiện các biến thể nguy hiểm kéo dài cuộc khủng hoảng.

WHO đang cân nhắc dữ liệu về vắc-xin của Trung Quốc trước khi quyết định về việc thông qua, dự kiến ​​trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Việc tiếp cận với vắc-xin Trung Quốc sẽ tạo ra động lực cho nỗ lực tiêm phòng của chương trình COVAX do WHO hậu thuẫn, chủ yếu dựa vào Viện Huyết thanh của Ấn Độ trước khi New Delhi hạn chế xuất khẩu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng của việc triển khai rộng rãi các loại vắc-xin từ Trung Quốc. Những loại vắc-xin này bị cho là có tỉ lệ hiệu quả thấp hơn so với các loại vắc-xin của Pfizer và Moderna.

Ông Nicholas Thomas, phó giáo sư tại một trường đại học ở Hồng Kông, cho rằng: "Việc WHO phê duyệt vắc-xin Trung Quốc trong trung hạn sẽ giúp củng cố quyền lực và thẩm quyền của Trung Quốc trong khu vực".

Nắm bắt cơ hội, hồi tuần trước Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp vắc-xin cho các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung từ Ấn Độ trong cuộc gọi với các đối tác từ các quốc gia Nam Á. Trong khi đó, theo quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nước này tự tin có thể tăng cường nguồn cung trở lại trong vài tháng tới khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại