Tài sản của 1% người giàu nhất thế giới ở các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ đã tăng vọt, ngay cả khi đại dịch khiến cả thế giới lao đao, theo Credit Suisse Group AG.
Tỷ trọng tài sản của người giàu tại Brazil đã tăng 2,7%, lên mức gần 50% tổng tài sản quốc gia – tỷ trọng lớn nhất trong số 10 quốc gia được trích dẫn trong Báo cáo tài sản toàn cầu của ngân hàng Thuỵ Sĩ, công bố hôm 22/6.
1% người giàu nhất ở 8 trong số 10 quốc gia đã tăng tỷ trọng tài sản của họ vào năm ngoái, chủ yếu là nhờ chính sách cắt giảm lãi suất sau khi dịch Covid bùng phát, theo báo cáo của Credit Suisse.
Báo cáo nhấn mạnh sự gia tăng tài sản nhanh chóng của những người giàu trên khắp thế giới. 500 người giàu nhất thế giới đã thêm 1,8 nghìn tỷ USD vào tổng tài sản ròng của họ vào năm ngoái, theo Bloomberg Billionaires Index.
"Nhóm người giàu hàng nhất thế giới gần như không bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế chung. Quan trọng hơn, họ được hưởng lợi từ tác động của lãi suất giảm đối với giá cổ phiếu và giá nhà", báo cáo cho biết.
Hệ số Gini – một thước đo bất bình đẳng trên phạm vi rộng, phản ánh sự thay đổi ở khoảng cách giàu nghèo – đã tăng lên trong năm 2020 ở tất cả 10 quốc gia được chọn nghiên cứu, ngoại trừ Mỹ. Tài sản của các hộ gia đình toàn cầu đạt tổng cộng 418 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020, tăng 7,4% so với 12 tháng trước đó.
Của tải tăng lên nhanh chóng, sự bất bình đẳng và thâm hụt của các chính phủ đang thúc đẩy phong trào đánh thuế người giàu trên khắp thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách tăng thuế thu nhập và số tiền mà người thừa kế giàu có phải trả sau khi kế thừa tài sản.
Tháng 12 năm ngoái, một Uỷ ban độc lập của Vương quốc Anh đã kêu gọi đánh thuế tài sản một lần để huy động khoảng 260 tỷ bảng, trong khi các quốc gia như Argentina, Bolivia cũng đã gây được quỹ từ các biện pháp nhắm vào người giàu.