Chỉ với một ví dụ này, bạn sẽ thấy hai điều:
- Người La Mã cổ đại thực sự là những con người đi trước thời đại.
- Khiếu hài hước của nhân loại vẫn vậy suốt ngàn năm nay.
Trên cây bút đã có niên đại 2000 năm tuổi, một món quà lưu niệm người ta thường mua về khi thăm thành Rome, ghi dòng chữ Latin như sau:
"Tôi tới từ Đô thành. Tôi mang tặng bạn món quà mang hàm ý ‘sâu đậm’, mong muốn rằng bạn sẽ nhớ tới tôi. Mạn phép hỏi liệu món quà tôi tặng có đủ hào phóng và rộng rãi vì đường sá thì dài mà tiền tôi thì hết".
"I have come from the City. I bring you a welcome gift with a sharp point that you may remember me. I ask, if fortune allowed, that I might be able [to give] as generously as the way is long [and] as my purse is empty."
Gần như có thể khẳng định "Đô thành - City" ở đây nói về thành Rome, và cây bút (với đầu nhọn - sharp point) chính là món quà đầy ý nghĩa người ta mang về khi thăm viếng một trong những thành phố phát triển nhất thời bấy giờ.
Và cũng có thể khẳng định luôn: Câu trên chỉ là cách nói hoa mỹ của "Anh vừa đi du lịch về đấy, nhưng chỉ mua cho chú cái bút này thôi". Không rõ từ "sharp point" trong câu gốc có phải thủ pháp chơi chữ không, vì "sharp point" có thể được hiểu thành hai nghĩa: một là ý nghĩa trừu tượng của chính món quà lưu niệm, hai là do cái bút có một đầu nhọn - sharp point.
Các nhà khảo cổ cho hay cái bút đã có từ năm 70 Sau Công nguyên, khoảng 20 năm trước thời điểm thành lập thành phố Londinium (hiện nay là London) dưới quyền cai quản của Đế Chế La Mã. Cây bút cổ là một trong 14.000 món đồ khai quật được trong quá trình xây dựng trụ sở tờ báo Bloomberg tại Châu Âu hồi năm 2013.
Sau một thời gian dài bảo quản và nghiên cứu, người ta đã chính thức trưng bày những tạo tác có niên đại cả ngàn năm trước.
Khu vực khảo cổ trước khi trụ sở của Bloomberg hình thành
Nơi đây nằm bên bờ sông Walbrook cổ đại, một nhánh thuộc sông Thames. Trước lúc các nhà chức trách London cho đào hệ thống cống rãnh và lấp sông hồi thế kỷ 15, sông Walbrook chảy qua trung tâm London, cắt đôi thành phố Londinium cổ đại.
Năm 70 Sau Công nguyên, thành phố London của thời điểm đó khác biệt nhiều với Rome tráng lệ: nó chỉ là tập hợp của một loạt những căn nhà gỗ thấp. Thế nhưng nó đã là trung tâm trao đổi hàng hóa lớn nhờ địa thế thiên nhiên ban tặng, là con sông Thames lớn cùng những nhánh nhỏ như sông Walbrook. Những căn nhà gỗ nhỏ đã là một phần quan trọng của nền kinh tế La Mã cổ đại.
Nhưng London của thời đó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế. Giữa thế kỷ 20, các nhà khảo cổ đã tìm thấy đền thờ Mithras - vị thần biểu tượng cho giao kèo và công bằng có gốc từ thần Mithra của người Iran, được rất nhiều thương lái La Mã tôn sùng hồi năm 100-200 Sau Công nguyên.
Những món đồ lấy từ khu vực khai quật kể lại những câu chuyện đã diễn ra cả ngàn năm trước: thương lái từ Bắc Phi, Địa Trung Hải đã di chuyển dọc Châu Âu để tới được bến nước, rồi đi thuyền tới những thương cảng đông đúc của London cổ đại. Ngoài hàng hóa và của cải chất đầy thuyền, còn có những đức tin và ý tưởng hiện hữu trong đầu những con người đi trước thời đại.
Và trong hành lý ai đó, có một cây bút lưu niệm, khắc trên mình là một dòng chữ … mang tính thách thức. "Mua quà cho là tốt lắm rồi, đòi hỏi gì".
Cái bút không chỉ là món quà lưu niệm
Vì đã là bút, thì hiển nhiên người ta phải dùng nó để viết. Người dùng bút sẽ đè đầu nhọn vào một lớp sáp phủ trên một bảng gỗ. Bút cạo lớp sáp tối màu ra sẽ làm lộ lớp gỗ sáng màu bên dưới, biến nó thành một văn bản thực thụ.
Trong quá trình khảo cổ kéo dài suốt 1 năm, người ta tìm thấy khoảng 405 văn bản như vậy, đa số mô tả nhưng hợp đồng trao đổi hàng hóa, một số ít là những văn bản quan trọng cho thấy quá trình tái dựng thành phố sau chiến tranh.
Hiển nhiên là nhóm các nhà khảo cổ còn tìm thấy cả bút viết nữa. Trong số 200 cái bút xuất hiện, chỉ có một chiếc duy nhất có khắc chữ trên mình. Thực tế, đây là một trong những cây bút hiếm hoi có chữ viết trên mình tính trong toàn bộ ngành khảo cổ. Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh nó: không thể khẳng định được những cây bút có chữ khắc trên mình hiếm hay không, hay là do chữ khắc đã mai một theo thời gian.
Dù vậy, ta biết rằng đây là quà lưu niệm, khắc trên mình một câu bông đùa, giá lại còn rẻ mạt. Những bằng chứng ấy cho thấy cái bút là một món đồ khá thịnh hành.
Nhưng rẻ hay đắt, dòng chữ khắc trên nó cho thấy khướu hài hước của nhân loại không thay đổi mấy, những con người sáng dạ sẽ tìm thấy cách bông đùa trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nhân tiện, lại có một ví dụ nữa cho thấy tính cách con người chẳng thay đổi mấy theo năm tháng. Các nhà khảo cổ nghiên cứu tại Thung lũng các vị Vua tại Ai Cập phát hiện ra những dòng chữ thú vị (và mang tính phá hoại) được viết bằng tiếng Hy Lạp và Latin trên tường hầm mộ Pharaoh Ramses Đệ Lục, người đã trị vì trong khoảng 1132 tới 1125 Trước Công nguyên.
Họ nói rằng những dòng chữ xuất hiện vào năm 332 Trước Công nguyên, khoảng thời gian Alexander Đại Đế chinh phạt Ai Cập và cũng gần thời điểm Đế chế La Mã sụp đổ năm 476. Những dòng chữ được nguệch ngoạc trong vội vàng có nội dung như sau:
- Tôi đã đến thăm lăng mộ, chẳng có gì thú vị cả trừ mỗi cái quan tài đá!
- Chẳng hiểu chữ tượng hình viết gì cả!
Đó vẫn chưa phải điều tệ nhất. Ngay bên dưới lời phàn nàn "chẳng hiểu gì", một ai đó đốp chát lại: "Tại sao anh phải quan tâm xem mình có hiểu không để làm gì nhỉ?"
Còn một dòng chữ nữa chốt lại cuộc tranh cãi này, có vẻ được viết bởi một người có học thức đến từ La Mã: "Tôi chẳng hiểu các anh phàn nàn cái gì", ám chỉ rằng người này có thể đọc được chữ tượng hình Ai Cập, và ngứa mắt khi thấy mấy thanh niên kém cỏi kia tranh luận. Học hành cao đến thế mà vẫn mang bút ra phá hoại của công được, tài thật.
Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Câu này dành cho toàn bộ nhân loại đó.