Cụm từ "tuyệt chủng hàng loạt" vốn khiến nhiều người liên tưởng đến một sự kiện mang tính chất kinh thiên động địa khiến sinh vật chết như ngả rạ. Như sự kiện thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái đất 66 triệu năm trước không những khiến khủng long tuyệt diệt, mà còn kéo theo sinh mạng của 75% sinh vật toàn cầu.
Tuy nhiên, thực chất khái niệm "tuyệt chủng hàng loạt" mang nghĩa rộng hơn thế. Nó còn dùng để chỉ việc hiện tượng thiên nhiên cực đoan khiến cho một tỉ lệ lớn các loài vật tuyệt chủng dần - gọi chung là "Đại tuyệt chủng".
Tổng cộng, có 5 sự kiện như vậy đã diễn ra trong lịch sử, và hiện tại cuộc "Đại tuyệt chủng" lần thứ 6 đang xảy ra.
Biến đổi khí hậu, nước biển ấm lên, nạn chặt phá rừng hiện đang khiến các loài vật tuyệt chủng nhanh chóng với mức độ chưa từng có. Như trong một nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu Viện khoa học Hàn lâm Hoa Kỳ năm 2017 có đề cập: "Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt hiện đang phát triển nhanh hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng."
Không phải tự nhiên khoa học đưa ra nhận định này. Dù chưa thực sự rõ ràng nhưng đã có những dấu hiệu chứng minh nó đang xảy ra, và đó là:
1. Côn trùng đang biến mất
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, số côn trùng trên thế giới đang giảm dần với tốc độ 2,5% mỗi năm, và con số đang tăng dần lên. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì đến năm 2119, Trái đất sẽ chẳng còn lấy một mống côn trùng tồn tại.
"Trong 10 năm, chúng ta sẽ mất đi 1/4. Trong 50 năm thì chỉ còn một nửa, và 100 năm sau sẽ chẳng còn gì," - tác giả của nghiên cứu, Francisco Sánchez-Bayo cho biết.
Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Các loài côn trùng thụ phấn như ong, bướm... vốn có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái. Khi chúng biến mất, thực vật sẽ khó tồn tại hơn, chưa kể nhiều loài chim, bò sát, cá... thậm chí là cả ngon người cũng chịu ảnh hưởng.
2. Quá trình "hủy diệt sinh học" đang diễn ra
Trái đất hiện đang trải qua một quá trình gọi là "hủy diệt sinh học" (biological annihilation). Theo đó, phân nửa số động vật từng sinh sống trên Trái đất cùng thời với con người đã thực sự biến mất rồi.
Trong nghiên cứu năm 2017 đầu bài, các chuyên gia đã kiểm tra số lượng của hơn 27.600 loài động vật trên Trái đất. Con số này chỉ bằng phân nửa tổng số các loài mà con người đã biết. Và kết quả, có đến hơn 30% đang có số lượng giảm dần.
Nhiều loài sinh vật còn biến mất hoàn toàn khỏi một số khu vực ngoài tự nhiên. Đây là một dấu hiệu rất đáng báo động, vì nó cho thấy khả năng tuyệt chủng thực sự của những loài vật kể trên.
3. 26.500 loài sắp tuyệt chủng, và con số ngày càng tăng
Theo IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), hiện có khoảng 27% các loài sinh vật trên Trái đất đang có mặt trong sách Đỏ, với hạng mục nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong đó, 40% lưỡng cư, 25% động vật và 33% các loài san hô đang bị đe dọa.
IUCN dự đoán rằng trong vòng 100 năm tới, 99,9% các loài nguy cấp và 67% loài đang bị đe dọa hiện nay sẽ hoàn toàn biến mất.
4. Tốc độ tuyệt chủng nhiều loài cao gấp 100 lần bình thường
Theo Elizabeth Kolbert - tác giả cuốn The Sixth Extinction cho biết tốc độ tuyệt chủng của các loài chim, bò sát, lưỡng cư trong một thế kỷ qua đang cao hơn ngưỡng bình thường đến cả 100 lần. Điều này có nghĩa chỉ trong vài thế hệ nữa, ít nhất 75% các loài động vật sẽ biến mất hoàn toàn.
Tê giác đen là loài vật đang ở mức cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ
5. Môi trường sống đang ngày càng hẹp
Theo nghiên cứu đầu năm 2019 trong vòng 50 năm tới - tức năm 2070, khoảng 1.700 loài (gồm chim, thú, bò sát và lưỡng cư) sẽ mất 50% môi trường sống do bị con người chiếm đoạt. Điều này sẽ đẩy chúng đến gần ngưỡng tuyệt chủng hơn.
6. Rừng Amazon đang bị chặt hạ không kiểm soát
Theo thống kê từ WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên), khoảng 17% diện tích rừng Amazon đã bị phá hủy trong 5 thập kỷ qua, nghĩa là khu rừng mất ít nhất 70.000 km2 mỗi năm. Trong đó phần lớn là vì con người chặt hạ để trồng trọt và chăn nuôi.
Hiện tại, Amazon đang là hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, với hơn 80% các loài động vật quý hiếm đang có mặt ở đây. Việc rừng bị chặt hạ sẽ đẩy chúng vào con đường tuyệt chủng nhanh chóng, chưa kể còn góp phần khiến cho Trái đất ngày càng nóng lên.
7. Mất 3 triệu năm mới phục hồi được
Theo một nghiên cứu từ năm 2018 thì 50 năm nữa, kể cả khi con người hoàn toàn biến mất, Trái đất cũng phải mất đến 3 - 5 triệu năm nữa mới có thể phục hồi đến ngưỡng như thời điểm hiện tại.
Và nếu để hồi phục như thời điểm con người chưa xuất hiện, phải mất đến 7 triệu năm.
8. Đại dương ngày càng nóng
Các đại dương đang hấp thụ rất nhiều nhiệt lượng từ khí quyển Trái đất. Theo ước tính, nhiệt lượng tăng thêm trong khí quyển do khí nhà kính mang đến đã bị các đại dương hấp thụ đến 93%, và điều này khiến san hô và các loài thủy sinh bị hủy diệt nhanh chóng.
Sinh vật biển chết rất nhiều vì nhiệt độ nước biển tăng
San hô bị tẩy trắng, vĩnh viễn không thể phục hồi
Theo xét nghiệm vào năm 2018, nhiệt độ tại các đại dương đang tăng nhanh hơn bình thường đến 40%. Quá trình này làm tăng nồng độ acid trong nước biển, khiến san hô bị nhuộm trắng và vĩnh viễn không thể hồi phục.
9. Nước biển đang dâng cao
Nhiệt độ tăng làm băng 2 cực tan ra, và hiển nhiên nước biển cũng dâng lên. Theo báo cáo của Bộ môi trường Úc vào đầu tháng 2/2019, loài chuột Bramble Cay tại Queensland đã chính thức tuyệt chủng vì nguyên nhân này.
Chuột Bramble Cay đã chính thức tuyệt chủng do hậu quả từ việc nước biển dâng lên
Tham khảo: Business Insider