Thi thoảng, trong lúc cao hứng kể cho con cái bạn nghe về những ngày Hè năm xưa – cái thời mà được nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ lau dọn nhà cửa, thổi nồi cơm, nhặt mớ rau, bạn sẽ ngỡ ngàng khi thấy con cái mình như đang nghe… chuyện cổ tích.
Và rồi chúng ta phát hiện ra rằng, những việc mà chúng ta làm như bản năng thời 8, 9 tuổi hóa ra không phải là bản năng. Quét nhà, lau nhà hóa ra lại là những… kỹ năng mà đám trẻ con thời nay không hề biết.
Bạn thậm chí sẽ phải dạy chúng cách cầm chổi ra sao, quét nhà thế nào, giặt cái giẻ lau sau khi lau bàn, lau ghế, rửa bát một cách thủ công chứ không phải ném hết vào máy.
Thời xưa, các cụ coi chuyện có con cái lớn trong nhà là thêm một nhân công. Những việc vặt vãnh trong nhà như lau dọn, giặt giũ, thậm chí là nấu cơm, nhặt rau đa phần giao cho đám trẻ, đặc biệt là khi chúng nghỉ dài ở nhà trong những ngày Hè.
Giúp bố mẹ làm việc nhà, điều tưởng chừng đương nhiên với thế hệ 8x. Ảnh minh hoạ
Trẻ con thời xưa cũng chưa trưởng thành tới mức coi đó là những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống, nhưng ai cũng thành thạo và lấy làm vui vẻ vì làm được việc giúp ích cho bố mẹ.
Thời đại thay đổi. Trong cái thời mà đám trẻ con có thể học bất kỳ thứ gì thông qua mạng xã hội, internet, dường như kỳ vọng của người lớn với con cái của mình cũng thay đổi theo chiều hướng… giảm dần đều.
Chúng ta chỉ hy vọng chúng học ít những thứ nhố nhăng, làm một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời, lễ phép là tốt lắm rồi, không mong gì hơn.
Thi thoảng nhờ cô con gái 9 tuổi cầm cái chổi quét nhà, nhìn nó khua khoắng như một trò chơi, nhiều người chỉ cười xòa rồi tự nhủ: Thôi, mình tự làm cho xong chuyện. Thời nay nó không hư là mừng rồi.
Tuy nhiên, đừng coi chuyện trẻ con không biết làm việc nhà là nhỏ nhặt.
Thay cho kỹ năng mềm, trẻ em thời năng được tiếp thu kỹ năng máy tính . Ảnh minh hoạ
Bởi thứ nhất, chúng ta sẽ nảy sinh tâm lý hưởng thụ, lười biếng và coi nhẹ những công việc thường nhật này.
Tôi đã từng trực tiếp chứng kiến một cậu nhóc tầm 10 tuổi ăn nói xấc xược với một người lao công trong siêu thị, vì được bố mẹ dạy rằng: Nếu không học hành đàng hoàng chỉ có nước đi làm lao công.
Vì chúng chưa từng phải động chạm chân tay tới những việc tương tự nên không hề ý thức được rằng nếu thiếu sẽ khốn khổ đến nhường nào.
Thứ hai, nếu đến những việc đơn giản như quét cái nhà cũng không biết làm, trẻ con sẽ không bao giờ sẵn sàng đón nhận những bài học về kỹ năng sống cơ bản.
Nói nghe có vẻ to tát, nhưng kỹ năng sống chỉ đơn giản là biết cách buộc dây giày, buộc tóc, tự mặc quần áo, tự lau một cái đũa, cái bát nếu nó bẩn, tự vệ sinh cho bản thân, tự ăn uống…
Rất nhiều người bạn nước ngoài mà tôi từng gặp qua đều có chung nhận xét rằng: Các bậc phụ huynh xứ ta bao cấp, chăm bẵm cho con cái quá nhiều.
Đối với một người nước ngoài, hình ảnh bà mẹ bón cơm cho đứa con học lớp 1 là một chuyện kinh khủng. Ở tuổi đó, nhiều đứa trẻ nước ngoài có thể chưa biết lên Youtube tìm bài hát, nhưng chắc chắn biết phải ăn bữa sáng của mình thế nào.
Thứ ba, làm việc nhà tốt cho sự kiên nhẫn và ý thức tự chăm sóc bản thân của đứa trẻ.
Ở nhiều nước phát triển, trẻ em đều được dạy làm việc nhà, giúp đỡ bố mẹ. Ảnh minh hoạ
Ở mức độ cao hơn, xã hội chúng ta đang rất thiếu những sinh viên giỏi về kỹ năng thay vì lý thuyết. Ở một góc độ nào đó, những cậu sinh viên lý thuyết đầy mình nhưng ứng xử kém, ý thức kém cũng giống như những đứa trẻ không biết làm việc nhà vậy.
Đừng nhốt con em mình vào những trung tâm học Hè, đừng biến chúng thành một cỗ máy chỉ cúi đầu nhìn vào màn hình điện thoại và cũng đừng kể mãi điệp khúc "ngày xưa ơi".
Hãy dạy chúng làm việc nhà…