Tiến hành Duy tân thành công, nhưng Minh Trị Thiên Hoàng không quên nhắc nhở thần dân của mình rằng: Chúng ta là người Nhật.
Người Do Thái sau khi trở về lập quốc tại vùng Trung Cận Đông (1946) đã đồng lòng học lại chữ Hebrew lấy đó làm "quốc ngữ" của nước Israel. Họ thành công, điều đó rất rõ ràng.
Còn Việt Nam? Chúng ta, con cháu chúng ta không đọc được, không hiểu nổi những gì mà tổ tiên nói, những thông điệp mà tổ tiên để lại. Văn hóa hiện đại dường như đang có mối liên hệ lỏng lẻo và dễ đứt gãy với văn hóa truyền thống hơn bao giờ hết.
Nền "quốc học" ngàn năm, văn hiến ngàn năm đang có nguy cơ bị người Việt Nam hiện tại chối bỏ.
Những rường cột trong nền văn hóa nước nhà, trong tâm tính dân tộc như phải học, học để hiểu sự vật hiện tượng (cách vật) mới trở thành người có ích cho chính mình, gia đình và quốc gia; sự liêm chính và cả liêm sỉ, hài hòa giữa mình với mọi người (nhân)… nay gần như không thấy hiện diện thường xuyên.
Cũng chưa có được bất cứ một giá trị văn hóa nào đủ mạnh để thay thế được những giá trị truyền thống.
Xin chữ ông Đồ ngày Xuân. Ảnh: Trọng Phú.
Mới đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải kêu gọi trọng liêm sỉ để phục vụ xã hội, phục vụ đất nước. Oái oăm thay nghĩa của từ "Liêm sỉ" nhiều người trong chúng ta chắc cũng chưa hiểu hết.
Xin chớ quên người Việt Nam là ai! Từng hiện diện thế nào, văn hiến ra sao ở khu vực Á Đông đầy sóng gió này. Và xin chớ quên rằng Hán văn, chữ Nôm là dòng văn chương Bác học, là những gì tinh túy nhất mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta.
Từ Nam Quốc Sơn Hà, Thiên Đô Chiếu, Thơ Thiền Lý Trần, Phạt Tống Lộ Bố Văn, Dụ Chư Tì Tướng Hịch Văn, đến Thuật Hoài, Bình Ngô Đại Cáo cùng hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm văn chương, lịch sử là tài sản vô giá mà tổ tiên truyền lại. Những cái đó ta nên biết, khắc ghi trong tâm khảm của mình.
Đừng lãng quên! Gốc không bền thì cây không thể xanh tốt, có xanh tốt cũng sớm bị gió bão quật ngã.
Nhưng học thế nào? Nếu cho rằng học Hán Nôm để giữ sự trong sáng của tiếng Việt, làm tâm tính của người học tốt hơn thì tôi cho rằng không thỏa đáng. Bởi vì, ngôn ngữ luôn luôn có sự thay đổi, biến tấu, tiếp nhận và cả loại bỏ (những từ ngữ đã không còn phù hợp).
Tâm tính, tư duy người học phản ảnh tư duy – triết lý giáo dục, không đơn thuần nằm ở việc đưa một vài chục tiết học Hán Nôm vào chương trình học các cấp. Và học thế nào để hiểu về tổ tiên, văn hiến chứ không phải học để học trò suốt ngày ngâm ngợi cổ văn?
Những vấn đề ấy phải được giải quyết thấu đáo, trước khi ta giúp thế hệ tương lai về những gì tổ tiên truyền lại.
PGS.TS Đoàn Lê Giang khởi xướng cuộc tranh luận có nên dạy phổ cập Hán văn hay không, bên cạnh sự ủng hộ ông cũng nhận rất nhiều chỉ trích, có cả những người miệt thị ông là Hán nô, là mưu toan đồng hóa với Trung Quốc.
Đấy là cách tranh luận bạo lực dựa trên sự thiếu thốn về kiến thức văn hóa lịch sử và rất đáng tiếc đó là một phần của sự tự ti trước Trung Quốc.
Tệ hơn, chúng ta đánh đồng Hán văn – Hán Nôm với chữ Trung Quốc hiện tại mà không hiểu dẫu cùng chung một gốc rễ nhưng chữ Hán qua Việt Nam đã được biến tấu, Việt hóa; được cha ông ta sử dụng như một công cụ đơn thuần thể hiện tư duy và thái độ độc lập của chính người Việt, hoàn toàn không phụ thuộc ý chí của thế lực bên ngoài.
Bản thân chữ Hán mà tổ tiên chúng ta dùng, người Trung Quốc hiện đại đã không sử dụng trong đời sống phổ thông nữa.
Cha ông ta ở cạnh Đế quốc bậc nhất Á Đông này cả ngàn năm còn không mang nỗi sợ hãi, tinh thần bài thị như vậy, huống chi là con cháu hôm nay? Mà đã sợ, đã yếu đuối thì làm sao mà thoát ra được cái bóng của họ?
Hiểu về tổ tiên, hiểu về văn hiến sẽ giúp người Việt Nam hôm nay và cả tương lai mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn.